Phương pháp tu hành thời Đại Ân Xá A (VSCĐ)

C chuyện luyện đạo Một bạn đạo thuộc đạo dòng, gia đình khá giả, làm nghề dạy học, nay con cái đã trưởng thành có nghề nghiệp ổn định, nên bạn có thời giờ sưu tập các kinh sách của Đạo để nghiên cứu và học tập.

Bạn muốn đi làm công quả nên thường đến Thánh Thất và Điện Thờ Phật Mẫu, nhưng bạn nhận thấy ở đó không có việc làm nào thích hợp với khả năng của bạn,
và nhất là bạn thấy ở đó có nhiều người nhiều việc làm cho bạn không hài lòng, đôi khi bạn không thể ngờ là có thể có những việc phàm tục như vậy xảy ra trong cửa Đạo.

Bạn nghĩ rằng, Thánh Thất là nơi thể hiện tình thương và sự hòa hợp, cho nên khi bước vào Thánh Thất, chúng ta thấy ngay bức họa “Tam Thánh Ký Hòa Ước” với bốn chữ “Bác Ái - Công Bình”, nhưng bạn ít khi thấy sự bác ái và công bình thể hiện rõ nét ở nơi đây. Hay bức họa nầy chỉ rằng, nơi đây là trường thi mà hai môn thi là : Bác ái và Công bình, để xem thí sinh ở đây ai đậu ai rớt.

Bạn rút về nhà nghiên cứu kinh sách. Bạn đọc qua các kinh sách của Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, rồi đọc vài quyển sách của chi phái Chiếu Minh, những Thánh giáo Sưu tập của các chi phái khác. Bạn vẫn còn nhiều thắc mắc chưa giải tỏa được, bạn bèn tìm đọc các sách của Tam giáo. Khi đọc sách Thiền Tông, bạn rất thích thú, nhưng cảm thấy khó quá ! Bạn đọc qua các sách Tiên giáo dạy về Tinh Khí Thần, bạn cảm thấy thích hạp hơn.

Bạn hỏi tôi : - Tại sao Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh có xây dựng các Tịnh Thất, mà sao không có tài liệu nào dạy cách luyện đạo ?

Tôi đáp : - Tịnh Thất là phần hành của Đức Cao Thượng Phẩm Hiệp Thiên Đài. Ngài qui Tiên quá sớm nên Ngài giao quyền lại cho Đức Phạm Hộ Pháp. Sau khi cất Tòa Thánh xong, Đức Hộ Pháp lo xây dựng các Tịnh Thất. Đức Ngài đã cất được Trí Huệ Cung và Trí Giác Cung. Tuy đã cất được hai Cung, nhưng đó là để tạo phần căn bản cho sau nầy, chớ Đức Chí Tôn chưa cho Đức Hộ Pháp mở Bí pháp luyện đạo. Đó là vì còn trong thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn. Bạn đọc kỹ trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, không có chỗ nào Đức Chí Tôn cho phép tín đồ Cao Đài luyện đạo trong giai đoạn nầy, mà Đức Chí Tôn lại nói nhiều lần rằng :
Chỉ có làm công quả phụng sự nhơn sanh thì mới đắc đạo. Xin trích Thánh Ngôn :

“ Trong các con, có nhiều đứa lầm tưởng, hễ vào Đạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhơn sự chưa xong thì không thế nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi.” (TNHT hợp nhứt, B 108)

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là con đường ngắn nhất mà Đức Chí Tôn mở ra cho con cái của Ngài đắc đạo. Tuy nhiên, Đức Chí Tôn cũng không bắt buộc, tùy ý lựa chọn, muốn tu theo đường khác cũng được, miễn là giữ vững chánh tâm, đừng lầm theo đường tà quái. Ai thích đi đường vòng mà khuyên can không được thì cứ để họ đi, hơn là bắt buộc làm họ bất mãn mà sa vào vòng tà quái thì Đức Chí Tôn không đành lòng. Thà để cho họ tiến hóa chậm một chút còn hơn là để họ lọt vào tay tà quái mà bị thoái hóa thì rất uổng.

Bạn tôi hiểu biết hết các lẽ đó, nhưng dường như có một điều gì đó rất hấp dẫn, hạp với ước vọng của bạn tôi, khiến bạn tôi hướng về việc tu Thiền, mà lý do đầu tiên là để trấn an tinh thần, làm cho cái tâm bớt vọng động trước những diễn biến phức tạp của việc đời và việc Đạo.

Thời gian thấm thoát trôi qua chừng 3 năm, tôi có dịp gặp lại bạn, tôi hỏi bạn tu Thiền được 3 năm rồi, bạn đạt được những điều gì ?

Bạn cho biết nhờ đếm hơi thở, bạn định được cái tâm, gìn cái ý, khi ngồi thiền, có một luồng điện chạy rần rần trong xương sống từ xương cụt lên đỉnh đầu, làm cơ thể của bạn ấm lên, xuất mồ hôi, nhờ đó bạn trục các trược khí trong người thải ra ngoài, làm cơ thể của bạn không bịnh tật, khỏe mạnh luôn luôn.

Tôi nói: - Tôi đọc sách thấy : Nếu tu được một ngàn ngày thì có ấn chứng, sao bạn không có gì hết vậy?

Sau đó, bạn tôi chuyển qua luyện đạo theo Tiên giáo : luyện Tinh hoá Khí, luyện Khí hiệp Thần, luyện Thần hoàn Hư. Nhờ tu thiền 3 năm mà bạn tôi luyện Tinh hóa Khí của giai đoạn đầu, kết quả khá dễ dàng. Giai đoạn kế là luyện Khí hiệp Thần, bạn luyện hoài mà thấy không hiệp được. Bạn nghiên cứu lại các sách xem có bí quyết gì không, cuối cùng bạn cũng luyện được Khí hiệp Thần, bạn có thể xuất chơn thần của bạn ra khỏi thể xác. Cái chơn thần nầy có hình ảnh giống y như bạn, khi xuất ra thì ngồi kế bên bạn, không đi đâu được, bởi vì mỗi lần muốn đi thì dường như bị một sợi dây vô hình kéo lại, nếu muốn bứt mạnh để đi thì lực vô hình cũng giựt mạnh lại, làm cho chơn thần nhập mạnh trở lại vào thể xác.

Bạn nhứt quyết luyện cho chơn thần thoát đi được, nhưng liền đó có một giọng nói rất nhỏ nhưng rõ ràng rót vào tai bạn : “ Bao nhiêu món nợ oan nghiệt của ngươi từ nhiều kiếp trước tạo thành các sợi dây oan nghiệt buộc chặt chơn thần của ngươi vào thể xác, làm sao ngươi có thể bứt ra mà đi thoát được. Ngươi phải gỡ hết các mối dây oan nghiệt nầy bằng cách làm công quả phụng sự chúng sanh, để dùng công đức ấy mà hoá giải hết các oan nghiệt, lúc đó ngươi mới có thể thoát ra đi được.”

Thế là bạn tôi thức tỉnh, chấm dứt việc luyện đạo, trở lại đời sống bình thường, lo cúng kiếng và làm công quả, tham gia rất tích cực vào các hoạt động từ thiện do địa phương hay do Thánh Thất tổ chức.

Bạn tôi đã bỏ ra gần 6 năm trời để đi một vòng, rốt lại trở về chỗ cũ, bởi vì bạn không tin tưởng 100% vào Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn trong TNHT, phải để bạn chứng nghiệm rồi bạn mới tin, mà cũng may cho bạn vì bạn có căn lành nên vẫn giữ được chánh tâm, không bị sa vào tay tà quái, có Đấng thiêng liêng nhắc nhở, kịp thời trở lại con đường chánh đạo.

Nếu bạn đạo nào có lòng hám vọng lớn lao, muốn tu gấp để trở thành người có huyền pháp, để được người khác tôn sùng, đưa lên hàng lãnh đạo, thì tà quái sẽ nương theo hám vọng đó, nhập vào để dẫn đi. Lúc đó, muốn làm Tiên, nó sẽ cho làm Tiên; muốn làm Phật, nó sẽ cho làm Phật, vì các thứ ấy là giả mà tà quái dùng để chiều theo thị hiếu của người đời mà mê hoặc người đời, tới chừng thức tỉnh biết là giả thì đã quá muộn.

Chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào lời dạy bảo của Đức Chí Tôn và thực hành đúng theo đó, thì mới mong tâm linh tiến hóa nhanh chóng. Chúng ta chỉ có một cuộc đời, không thể đem ra mà thử nghiệm hoài cho được.

B. Đại Ân Xá là gì ?
Đại Ân Xá hay Đại Xá là Đức Chí Tôn ban ơn huệ lớn lao bằng cách tha thứ tội lỗi cho những kẻ có tội.

Kể từ ngày khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức là khai Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn mở ra một thời kỳ Đại Ân Xá cho các đẳng linh hồn trong càn khôn thế giới và cho toàn cả chúng sanh, để chúng sanh tu hành dễ bề đắc đạo. Cho nên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng được gọi là Đại Ân Xá Kỳ Ba.

Muốn hưởng được sự ân xá nầy, mỗi người phải biết thành tâm hối lỗi, ăn năn sám hối tội tình, cải tà qui chánh, lập lời Minh Thệ, nhứt quyết tu hành, lập công bồi đức. Những tội lỗi của họ đã chồng chất từ nhiều kiếp trước được Ơn Trên cất giữ lại (không đem ra trừng phạt) và cho họ làm một tân dân (người dân mới) trong cửa Đạo, nhờ vậy người nhập môn hành đạo rảnh nợ tiền khiên, chỉ lo trau giồi Đạo hạnh, lập công bồi đức, để sau cùng lấy công đức trừ dứt tội tình, thì có thể đắc đạo trong một kiếp tu.

Ngày khai Đạo Cao Đài là ngày 15-10-Bính Dần (1926) là ngày khởi đầu thời Đại Ân Xá Kỳ Ba. Đức Chí Tôn ban cho nhơn loại các đặc ân sau đây :

1 . Tha thứ tội lỗi ở các kiếp trước của những người biết hồi đầu hướng thiện, nhập môn cầu đạo, lập Minh Thệ với Đức Chí Tôn, nhứt tâm tu hành. Cho nên trong Kinh Giải Oan (KGO) và Kinh Cầu Bà con Thân bằng Cố hữu đã qui liễu (KCBCTBCHĐQL) có các câu sau đây :

" May đặng gặp hồng ân chan rưới,
Giải trái oan sạch tội tiền khiên. (KGO)
Chí Tôn xá tội giải oan,
Thánh, Thần, Tiên, Phật cứu nàn độ căn.
Ơn Tạo hóa tha tiền khiên trước,
Đưa linh phan tiếp rước nguyên nhân." (KCBCTBCHĐQL)

2 . Đức Chí Tôn đặc ân cho các tín đồ Cao Đài, khi chết, linh hồn được Cửu vị Tiên Nương hướng dẫn đi lên 9 từng Trời của Cửu Trùng Thiên, mỗi nơi đều được quan sát các cảnh Trời đẹp đẽ mà dưới thế gian không bao giờ có, đến bái kiến các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật, đến Minh Cảnh Đài để xem xét tất cả hành vi thiện ác của mình đã gây ra trong suốt kiếp sống nơi cõi trần, đến DTC ở từng Trời Tạo Hóa Thiên để bái kiến Đức Phật Mẫu, rồi tiếp tục đi lên Ngọc Hư Cung bái kiến Đức Chí Tôn để cây Cân công bình thiêng liêng của Tòa Tam Giáo cân tội phước.

Phước nhiều thì được phong thưởng bằng phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật tương xứng. Nếu tội nhiều thì bị đưa đến cõi Âm Quang, vô Tịnh Tâm Xá mà định tâm tịnh trí xét mình, cầu nguyện Đức Chí Tôn độ rỗi. Tại đây có Thất Nương DTC giáo hóa các nữ tội hồn và Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa các nam tội hồn.

3. Đức Chí Tôn cho đóng cửa Địa ngục. Các tội hồn không còn bị hành hình thảm khốc nơi Địa ngục như trước nữa, mà được đưa đến cõi Âm Quang để học Đạo, cầu khẩn Đức Chí Tôn cứu rỗi, chờ ngày tái kiếp trở lại cõi trần để trả cho xong nghiệp quả.


4. Đức Chí Tôn cho mở cửa Cực Lạc Thế Giới để rước những người đầy đủ công đức đắc đạo. Nếu người nào quyết chí tu hành, chỉ trong một kiếp tu cũng có thể đắc đạo. “ Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại trong càn khôn thế giới, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng.”

Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên, Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương. (KGO) 5. Những người bị tội Tận đọa Tam đồ bất năng thoát tục được ân xá, những người bị tội Ngũ Lôi tru diệt, cũng nhờ Đại Ân Xá nầy mà được Đức Phật Mẫu huờn lại chơn thần, tất cả đều đặng tái kiếp lập công chuộc tội.

Thời kỳ Đại Ân Xá không phải kéo dài đến thất ức niên (700 000 năm) mà chỉ được giới hạn trong khoảng thời gian từ ngày Khai Đạo cho đến khi Đức Di-Lạc Vương Phật mở Đại Hội Long Hoa là chấm dứt, vì đã bước vào một thời kỳ tiến hóa khác của nhơn loại.

Chúng ta hôm nay gặp Đạo Cao Đài, được làm môn đệ của Thượng Đế, là một duyên may ngàn năm một thuở, nếu không mau mau bước chân vào cửa Đạo lo việc tu hành, lập công bồi đức, cứ để dần dà ngày tháng trôi qua, có mong chi đắc đạo trở về ngôi vị cũ.

C . Hai giai đoạn tu hành
Trong công việc tu hành, phải trải qua 2 giai đoạn:
- Giai đoạn làm công quả.
- Giai đoạn luyện đạo.
1). Giai đoạn làm công quả. Làm công quả là làm tất cả công việc có tính cách giúp người giúp đời mà không nhận sự đền đáp bằng tiền bạc hay vật chất nơi cõi trần nầy, mà chỉ mong nhận được kết quả tốt đẹp cho phần linh hồn nơi cõi thiêng liêng.

Trong việc công quả nầy, trước hết là phải lo phổ độ nhơn sanh bỏ ác theo lành, nhập môn vào Đạo, và tiếp theo là lo giúp đỡ nhơn sanh về đời sống vật chất và tinh thần, gọi chung là phụng sự nhơn sanh. Giai đoạn làm công quả nầy còn được gọi là : Ngoại giáo công truyền.

Chúng ta tùy theo khả năng và sở thích, có thể lựa một trong ba cơ quan để làm công quả sau đây :

A) Cửu Trùng Đài :
Chúng ta làm công quả đi từ phẩm thấp nhất là Đạo hữu, lần lần lên Chức việc Bàn Trị Sự. Khi đủ công nghiệp thì cầu phong lên hàng Lễ Sanh, rồi tiếp tục làm công quả để tiến lên hàng Thánh thể của Đức Chí Tôn, sau cùng được thăng lên các phẩm cao cấp là : Đầu Sư, Chưởng Pháp, đứng vào Tiên vị. Làm công quả để tiến hóa như vậy gọi là đi theo phẩm trật Cửu phẩm Thần Tiên hay Cửu Thiên Khai Hóa. Trong số các Chức sắc tiền bối, Ngài Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh (1906-1985) đã làm công quả trong hơn 30 năm, đi từ phẩm Đạo hữu, rồi Chánh Trị Sự và sau cùng lên tới phẩm Đầu Sư.

B) Hiệp Thiên Đài :
Nếu chúng ta muốn làm công quả nơi Hiệp Thiên Đài thì phải thi tuyển vào phẩm Luật Sự của Bộ Pháp Chánh, rồi dần dần lập công, thăng lên phẩm Sĩ Tải, đi hết 7 phẩm cấp của Bộ Pháp Chánh là đến Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, sau cùng có thể tiến lên phẩm vị Thời Quân khi có công phổ độ một nước, và được ân phong đặc biệt của Đức Chí Tôn.

c) Cơ Quan Phước Thiện : Nếu muốn lập công nơi CQPT, chúng ta phải xin giấy chứng nhận do Bàn Trị Sự và Tộc Đạo nơi mình ở cấp cho, rồi nạp hồ sơ vào cơ sở Phước Thiện mà mình muốn lập công, làm Tờ Hiến Thân vào Hội Thánh Phước Thiện. Người mới vào làm công quả nơi cơ sở lương điền hay công nghệ của CQPT thì gọi là Đạo sở. Sau thời gian 6 tháng thì được vào Minh Đức, là phẩm thấp nhứt trong Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của CQPT. Làm công quả nơi CQPT gọi là tiến hóa theo Thập nhị đẳng cấp th. liêng.

* Ngoài ra những vị Đạo hữu nào có tay nghề chuyên môn đặc biệt như nghề đờn, nghề xây dựng, . . . thì có thể xin lập công quả nơi các cơ quan chuyên môn của Đạo như : Bộ Nhạc Lễ, Ban Kiến Trúc, vv. . . .

2). Giai đoạn tu luyện. Khi đã lập công bồi đức đầy đủ rồi thì mới được tuyển vào Tịnh Thất, có Tịnh chủ dạy cho luyện đạo.

Trong phép luyện đạo của Đạo Cao Đài, Tịnh chủ dạy cho cách luyện Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, để được Tam hoa tụ đảnh, Ngũ khí triều nguơn, tạo được chơn thần huyền diệu, có thể xuất nhập thể xác tùy ý mà vân du đến các cõi thiêng liêng. Ấy là đắc đạo tại thế.

Nhưng làm sao biết được có công đức đầy đủ ?
Đức Phạm Hộ Pháp giải thích : “ Trước khi vào tịnh thì phải có đủ Tam Lập : Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn.

Nơi cửa Đạo đặt ra việc chi đều hữu ích cả, mượn Thể Pháp tượng trưng mới đoạt Bí Pháp. Trước kia Bần đạo Lập Phạm Môn tại Tòa Thánh tượng trưng cửa Phật độ sanh hồn, tức nhiên gọi Phật; Minh Thiện Đàn mở tại Khổ Hiền Trang, Bần đạo khai Thể Pháp tại đó, gọi là Pháp, Phước Thiện ngày nay đã ra thiệt hiện, tức nhiên ra mặt xã hội, gọi là Tăng, thì nó sẽ bành trướng vận chuyển lưu hành cùng khắp xã hội nhơn quần, nghĩa là phải phụng sự toàn thể chúng sanh, tế khổ phò nguy, đi Đầu Họ Đầu Quận làm hậu thuẫn cho Hội Thánh Cửu Trùng Đài, lo cơ tận độ, chỉ có công phổ độ mới giải quả tiền khiên. Ai không xuất thân hành đạo, tức là không có công phổ độ thì không vào tịnh được, vì không đủ Tam Lập.

Trước khi xin vào, phải nạp tất cả giấy tờ hành đạo, lai lịch từ thuở nhỏ đến trưởng thành, ở ngoài Đời không án tiết, trong cửa Đạo cũng vậy, trọn tùng luật pháp Đạo và trường trai mới được, rồi giao cho Pháp Chánh minh tra về Thể Pháp đủ bằng chứng.

Chi Pháp phải giữ hồ sơ của mỗi người, còn nhiều điều trọng yếu về vô vi, không thế gì Chi Pháp biết đặng, chiếu văn kiện thì đầy đủ lắm vậy, Chi Pháp chỉ biết văn bằng hiện hữu về mặt hữu hình mà thôi.

Khi minh tra đủ lẽ, mới giao cho Hộ Pháp cân thần, nếu vị nào đủ Tam Lập thì vào tịnh được, bằng thiếu thì trở lại đi Đầu Họ, Đầu Quận, đi hành đạo nữa.

Nói rõ là phải có Hộ Pháp trục thần khai khiếu mới biết đặng đủ hay thiếu Tam Lập, còn không thì ngồi tịnh, bụng lớn vô ích.” (Trích Diễn Văn và Thuyết đạo ĐHP trang 163)

Chú thích : CÂN THẦN : Cân thần là Đức Hộ Pháp trục chơn thần của một vị công quả để Đức Ngài dùng cặp mắt thiêng liêng xem xét tánh chất của vị công quả đó. Có tất cả 12 tánh chất :
1 . Hạnh
2 . Đức
3 . Trí
4 . Lực
5 . Tinh
6 . Thần
7 . Thân
8 . Tín
9 . Mạng
10 . Căn
11 . Kiếp
12 . Số

Đức Hộ Pháp chỉ cần 4 tánh chất đầu. Thí dụ nếu có được :
1. Hạnh : 5 điểm.
2. Đức : 6 điểm.
3. Trí : 4 điểm.
4. Lực : 7 điểm.
Tổng cộng : 22 điểm, chia 4 để lấy trung bình = 5,5 điểm.
Như vậy là đậu, tức là xem như "đủ Tam lập". Giai đoạn học Bí pháp luyện đạo trong Tịnh Thất còn được gọi là : Nội giáo vô vi, hay Tâm pháp bí truyền.

D . Phương pháp tu hành thời Đại Ân Xá
Tuy Đức Phạm Hộ Pháp đã dự bị Tịnh Thất để lo về phần luyện đạo, nhưng trong thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn, Đức Chí Tôn miễn cho phần luyện đạo, nghĩa là : các môn đệ của Đức Chí Tôn chỉ lo làm công quả, phụng sự nhơn sanh, đến khi thoát xác thì Đức Chí Tôn sẽ căn cứ trên Bộ Công quả của mỗi người (do chư Thần, Thánh biên chép) mà Đức Chí Tôn sẽ ban những phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật tương xứng.

Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn : “ Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc đạo phải có công quả. Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên Đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng là tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ.” (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 17)

Tuy Đức Chí Tôn không nói trắng ra là bỏ môn luyện đạo, nhưng Đức Chí Tôn cấm chúng ta luyện đạo, và lập một trường thi công quả cho chúng ta đắc đạo. Điều nầy đã quá rõ rồi. Cho nên, nếu trong chúng ta có người còn lo ngồi thiền luyện đạo trong thời kỳ Đại Ân Xá nầy thì chỉ mất thời giờ quí báu của đời sống một cách vô ích.

Tùy theo công quả nhiều ít mà Đức Chí Tôn lập ra 4 cấp giải thưởng : Thần, Thánh, Tiên, Phật. Công quả càng nhiều thì phẩm vị càng cao.

Trong thời kỳ nầy, khi chúng ta lo làm công quả phụng sự nhơn sanh thì giống y như là chúng ta ký hợp đồng làm mướn cho Đức Chí Tôn, không phải để lấy tiền, mà là để đổi lấy phẩm vị thiêng liêng, bằng cách phụng sự các con cái của Người về tất cả các phương diện : đời sống vật chất, tinh thần và linh hồn.

Nhưng điều quan trọng trước tiên là phải tìm cách phổ độ, đem con cái của Người từ đường dữ trở lại đường lành, nhập môn vào cửa Đạo, ăn chay hành thiện.

- Về Đời sống vật chất : Đói phải cho ăn, rách phải cho mặc, lạnh phải cho mùng mền, bịnh phải cho thuốc, . . vv . . . Đó là việc làm của các vị công quả trong CQPT.
- Tinh thần đau khổ, buồn chán, thì phải có người an ủi, vỗ về, giải thích cho biết con người nơi cõi trần phải chịu trong vòng Tứ Khổ và lẽ luân hồi quả báo, cố gắng vượt qua để rồi sẽ gặp điều vui sướng tốt đẹp. Đó là công việc giáo hóa của các Chức sắc Cửu Trùng Đài.

Hai phần trên gọi là Độ Sanh, tức là cứu giúp về phần đời sống của thể xác, đến khi chết còn phải Độ Tử nữa, tức là cứu giúp phần linh hồn.

- Khi nhơn sanh có người chết thì Bàn Trị Sự hương đạo và bổn đạo làm công quả phải lo kinh kệ độ hồn, cầu siêu, làm các phép bí tích, vv . . . rồi phải lo chôn cất, xong rồi phải làm Tuần cửu, Tiểu tường và Đại tường mãn tang.
Lo cho các con cái của Đức Chí Tôn được như vậy mới là trọn vẹn, và chắc chắn Đức Chí Tôn sẽ trả công cho chúng ta rất xứng đáng.

E. Cách lập Thiên vị: Tu Tam lập
Thiên vị là phẩm vị nơi cõi Trời, tức là phẩm vị nơi cõi thiêng liêng hằng sống.

Tam lập là ba điều lập nên, không bao giờ hư hoại, nên được gọi là Tam bất hủ, được truyền mãi về sau.
“ Con người sanh ra trên mặt địa cầu nầy mà không có Tam lập (Lập đức, Lập công, Lập ngôn) thì giá trị con người không có gì hết. Tam lập ấy quyết định cho ta, ta phải có mới sống chung với xã hội nhơn quần được.
Nếu con người không có Đức thì làm sao xử sự trong gia đình và ngoài xã hội đặng.

Người không có Công thì ở với ai cũng không được. Người ta làm ngã ngửa, còn mình ngồi đó hả họng hưởng, không làm gì có nghĩa với người, với đời thì sống với ai ?

Cũng như người ta chơn chất thật thà, hiền lương đạo đức, còn mình thì xảo ngữ, lường gạt, không chút dạ nhơn từ, thì dầu cho người có tài tình đến mấy mà thiếu ba điều đó thì không thể gì sống với ai được hết, như vậy thì địa vị mình tại mặt thế nầy chưa rồi. “ (TĐ.ĐPHP)

Muốn lập phẩm vị cho mình nơi cõi thiêng liêng trong thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn thì chúng ta phải tu Tam lập. Đức Chí Tôn đã miễn cho môn luyện đạo, nên người tín đồ Cao Đài chỉ cần đủ Tam Lập là đắc đạo.

Sau khi chấm dứt thời kỳ Đại Ân Xá, tín đồ có đủ Tam Lập phải vô Tịnh Thất luyện đạo thì mới đắc đạo.

Trong Tam Lập, ba Lập ấy tương quan mật thiết với nhau, khó tách rời ra được, vì nếu tách riêng ra thì không thể thi hành. Cho nên, khi nói Lập đức hay nói Lập công thì chúng ta ta ngầm hiểu là phải bao gồm cả Tam lập.

Trong bài Kinh Tụng Cha Mẹ đã qui liễu, có câu :
" Thong dong cõi thọ nương hồn,
Chờ con lập đức giúp huờn ngôi xưa."

Chữ Lập đức trong câu kinh nầy, chúng ta phải hiểu bao gồm cả Tam lập : lập đức, lập công, lập ngôn.

Câu kinh trên cho chúng ta biết rằng, một người dù nam hay nữ, nếu quyết chí tu hành, phế bỏ việc đời, hiến thân hành đạo, miệt mài lập đức bồi công, thì nhứt định sẽ cứu được Cửu Huyền Thất Tổ và cứu được cả linh hồn của cha mẹ thoát khỏi cảnh đọa đày và được siêu thăng lên cõi thiêng liêng hằng sống.

Có ba chứng minh sau đây của ba vị :
- Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu
- Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung
- Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu.

1 - Bài Thánh ngôn Đức Chí Tôn dạy Bà Hương Hiếu đi hành đạo, ngày 7 - giêng - Bính Dần (1926) :
“ Đức Chí Tôn dạy Bà Hương Hiếu đi hành đạo, phổ độ nhơn sanh. Bà Hương Hiếu bạch với Thầy rằng :
- Má con mắc ở xa, làm sao con đi độ được ?

Thầy : " - Hiếu ! Con biết một lòng tu niệm đạo đức của con đủ cứu Cửu Huyền Thất Tổ rồi, huống là mẹ con, để Thầy định đoạt, con đừng lo buồn.” (Trích ĐS. I. 36)

2 - Trong một đàn cơ, Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung hỏi Bát Nương : - Bát Nương vui lòng cho biết : Thân phụ và thân mẫu của Qua có được siêu thăng không ? Giờ đây ở đâu ?
Bát Nương đáp : - Em chỉ nói bằng thơ, nếu anh giảng trúng thì nói nữa, còn trật thì lui.
Đức Quyền Giáo Tông năn nỉ :
- Nếu Qua nói trật thì Em thương tình mà chỉ dẫn để cho Qua học thêm với.
Bát Nương nói :
"Bạch Y Quan nay sanh Cực Lạc,
Bá phụ cùng bá mẫu đặng an. "

Đức Quyền Giáo Tông nói : - Như vậy là thân phụ và thân mẫu của Qua trước ở cõi Bạch Y Quan, nay đã sang ở yên nơi Cực Lạc Thế Giới.
- Đúng đó, ấy là nhờ công tu luyện của anh nên bá phụ và bá mẫu siêu thăng nơi Cực Lạc.
3 - Thân mẫu của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu xin phép Đức Chí Tôn giáng cơ để tỏ cho Ngài Hậu biết, nhờ công quả của Ngài mà Bà được siêu thăng lên Đông Đại Bộ Châu. Ngày 19-2-1929 (âl 10-1-Kỷ Tỵ).
Phò loan: Bảo Pháp-Hiến Pháp.
Mẹ mừng con, Mẹ cám ơn con đó.

Con đâu rõ đặng, ngày nay Mẹ nhờ công con mà đặng thăng cấp. Nay Mẹ đặng vào Đông Đại Bộ Châu. Ấy cũng nhờ ơn của Chí Tôn rất thương mà cho Mẹ vào phẩm ấy. Mẹ chẳng biết lấy chi mà thông công cho hai con và các cháu, nên mới dụng huyền diệu mà Mẹ đã cầu xin Chí Tôn ban cho Mẹ đặng cho con cùng cháu hay rằng, Đức Chí Tôn đã giữ lời hứa cùng con. Nay Mẹ đến khuyên hai con khá lo sao cho tròn phận sự, ngày thêm vun đắp nền Đạo đặng báo đáp Ơn Trên đã hết lòng vì cả nhà ta. Nếu con có lòng ấy thì Mẹ rất vui lòng đó, con hiểu . . .
Mẹ rất vui thấy lòng con nên Mẹ mới xin phép Chí Tôn đến đây tỏ ít lời cho con hiểu. Vậy con khá an lòng mà lo Đạo, chớ nên vì việc nhỏ mà nao chí nghe !

Tôi chào nhị vị Thánh (nói với Nghĩa và bác vật Lang). Tôi chẳng biết lấy chi cám cảnh cho bằng dùng vài lời nhắc đây : Xin nhị vị khá hết lòng lo hiệp tác mà nâng cao địa vị mình càng ngày cho tột phẩm.

Tôi đây chẳng chi xứng phận mà cũng nhờ ơn Chí Tôn thương tưởng thay! Ấy cũng nhờ sức con mới đặng vậy, không thì biết sao mà kể xiết.

Ấy đó, công của nhị vị càng dày thì Chí Tôn càng yêu dấu. Xin khá để hết tâm chí mà hành phận sự. Ấy là lời tôi xin nhị vị khá để ý. (Hỏi về việc ông thân tôi, Ngài Bảo Pháp hỏi.)
- Mẹ không dám nói. Thôi Mẹ lui. (Trích Thánh Ngôn chép tay của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu)

Ba câu chuyện của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu đã minh chứng câu : “ Nhứt nhơn đắc đạo Cửu Huyền thăng.” (một người tu hành đắc đạo thì Cửu Huyền Thất Tổ của người đó đều được siêu thăng).

Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giảng giải về Tam Lập, trích ra sau đây :
" - Mình học để biết Đạo là Lập Đức, nói Đạo cho thân tộc mình biết là Lập Công, độ toàn nhơn loại là Lập Ngôn. Có làm đủ ba điểm đó mới về được với Đức Chí Tôn bằng con đường Cửu Thiên Khai Hóa."
" - Lập Đức thì phải nhớ đạo lý. Lập Công thì phụng sự nhơn sanh. Lập Ngôn thì để hết trí óc tìm hiểu về triết học tinh thần, tìm tòi mọi lẽ cao sâu để thuyết minh Chánh giáo."
" - Phương pháp Tam Lập, nói rõ ra là chỉ đem mảnh thân nầy làm tế vật cho Đức Chí Tôn đặng phụng sự nhơn loại. Nếu giải rõ rất nhiều chi tiết, để có dịp Bần đạo sẽ thuyết minh hoặc viết sách in ra cho học hỏi."
" Còn mấy em đây là trung phẩm chi nhơn, giáo nhi hậu thiện, mấy em tạo thiện đức được là biết nghe lời Hội Thánh. Người ta có tài thì làm việc hay, còn mình dở thì làm việc thường.

Bần đạo tỉ dụ một việc thường để cho mấy em dễ hiểu. Phận mình dốt thì làm theo dốt. Muốn tạo thiện đức, thiện công, thiện ngôn, là như vầy :

Mình nghe đâu có cất chùa, thì mình tự tính đi đến đó xin làm công quả. Mình nghe đâu đó bị tai nạn khốn khổ thì trong đêm ấy nằm tính và thương xót, nghe chỗ đó bị tai nạn, mình định sáng ngày mai, rủ anh em hay tự mình đi, dầu sáng ngày tằm sắp chín hoặc có mối lợi gì đó cũng bỏ đi, để đến trợ giúp tai nạn. Đó là thiện đức, nghĩa là khi mình tính.

Khi đến, mình nói như vầy : “Thưa anh, tôi nghe anh bị tai nạn, tôi đến để xin phép giúp anh một ngày, hoặc là vác một cái cây, hoặc giúp một đồng bạc, vậy thì anh vui lòng cho tôi giúp với một nghĩa mọn.” Khi mình nói là Thiện ngôn, khi mình làm là Thiện công. Chớ không phải ỷ có tiền rồi nói sổ sàng : “Đây tôi cho anh một đồng mua gạo ăn đỡ đói.” Như vậy là chưa Thiện ngôn.

Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài, trong buổi đầu là thời kỳ Đại Ân Xá, nên Đức Chí Tôn lập một trường thi công quả (hay trường thi công đức) cho nhơn sanh đắc đạo.

Đức Chí Tôn miễn cho môn thi luyện đạo vì môn nầy rất khó, chỉ cần có đủ công quả là Đức Chí Tôn cho đắc đạo.

Việc lập công quả hay công đức là thuộc về Tam Lập, vì Lập đức, Lập công và Lập ngôn gắn liền nhau, không thể tách rời ra từng phần được. Do đó, thi Lập công quả hay thi Lập công đức chính là thi Tam Lập.

Người tín đồ Cao Đài là những sĩ tử tham dự kỳ thi nầy, nên cần phải luyện tập ba môn thi nói trên cho hay cho giỏi. Làm bài trúng, được điểm cao, được chấm đậu thì Đức Chí Tôn ban thưởng cho các phẩm vị tương xứng.

Nếu các sĩ tử không lo rèn luyện các môn thi chánh thức nầy, lại xem thường nó, rồi rèn luyện các môn khác không sử dụng trong kỳ thi như môn Luyện đạo, thì rất uổng phí thời gian cho một kiếp sanh may duyên gặp Đạo.

Trong kiếp sanh nầy, muốn đắc đạo tức là thi đậu thì phải lo học tập và thực hành Tam Lập. Việc nầy cũng rất khó khăn, nhưng không phải không làm được, muốn thực hiện thì phải có một quyết tâm lớn, một ý chí kiên cường nhẫn nại và một tấm lòng hy sinh.
- Quyết tâm là để không lùi bước trước khó khăn, vượt qua các thử thách do bọn Tà quyền gây nên.
- Ý chí kiên cường nhẫn nại là để thắng dục vọng thấp kém, tình cảm yếu hèn của mình, kềm hãm lục dục thất tình, hướng chúng vào đường cao thượng.
- Lòng hy sinh là để thắng cái Ta hẹp hòi ích kỷ. Hy sinh là để hiến dâng tất cả những gì quí báu của đời mình cho Đạo pháp, cho nhơn sanh. Sự hy sinh đó sẽ làm dứt hết các phiền não, đem lại cho tâm hồn sự an lạc nhẹ nhàng.
TNHT : Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chẳng khác chi một trường thi công quả. Nếu biết ăn năn trở bước lại con đường sáng sủa, giồi tâm, trau đức, đặng đến hội diện cùng Thầy thì mới đạt đặng địa vị thanh cao trong buổi chung qui đó. (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 48).

Lập Đức.
Nói riêng về việc Lập đức, trong Đạo Cao Đài, muốn lập đức cho được trọn vẹn thì phải theo con đường Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng của Cơ Quan Phước Thiện.

Trong Con Đường thiêng liêng hằng sống, Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giảng giải như sau : " Lập vị mình theo Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng, tức là theo Hội Thánh Phước Thiện. Nơi đây, ngoài việc ăn chay, giữ gìn luật đạo, tùng theo chơn pháp của Đức Chí Tôn, còn phải dùng đức để lập vị mình.
Muốn lập đức, phải đi từ Minh Đức, Tân Dân, Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện, Chí Thiện, vv. . .
Lập đức là gì ? là dùng sự thương yêu để cứu độ chúng sanh, mà Đức Chí Tôn đã có nói : “ Sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh”.

Các đẳng chơn hồn tái kiếp đang chơi vơi trong Tứ Khổ. Muốn thoát khổ, họ phải thọ khổ, có thọ khổ mới thắng khổ. Người tu đi theo Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng là dạy người ta thọ khổ để thắng khổ. Muốn dạy người ta thọ khổ, trước hết mình phải thọ khổ đã. Muốn thọ khổ thì không gì hay hơn là dùng đức thương yêu. Cho nên bậc thứ nhứt của Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng là Minh Đức. Có thương yêu mới thọ khổ được. Ta thương cha mẹ ta, ta mới chịu khổ mà bảo dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, ta thương con ta, ta mới lo tảo lo tần nuôi nó khôn lớn, ta thương những người cô thế tật nguyền, ta mới tầm phương giúp đỡ họ, mà tầm phương giúp đỡ họ là thọ khổ đó vậy.

Thọ khổ rồi mới thắng khổ. Thọ khổ không phải một ngày một bữa, mà phải thọ đến nơi đến chốn, nghĩa là nuôi cha mẹ cho đến tuổi già, lo cho con từ bé cho tới lúc nó tự lo cho nó được. Hai điều đó còn dễ, đến lo cho thiên hạ hết khổ mới khó, vì khi lo cho người nầy thì lại đến người khác, và cứ như vậy, trọn kiếp sanh mới gọi là thắng khổ.

Có thắng khổ mới về được với Đức Chí Tôn bằng con đường Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng.” Có học mới biết phương Lập đức.

Đức có Đại đức và Tiểu đức. Đại đức như nước biển cả, thấm đều khắp muôn vật. Tiểu đức như nước trong ao, thấm có giới hạn. Tiểu đức chỉ cảm hóa ít người; Đại đức bao trùm cả thiên hạ.
Muốn Lập đức thì nên lấy bố thí làm phương tiện.
Bố thí gồm : thí tài, thí công, thí ngôn, thí pháp.
Thí tài là đem tiền của ra giúp khó trợ nghèo.
Thí công là đem sức lực ra làm việc giúp người.
Thí ngôn là đem lời nói mà giúp ý kiến hay cho người để giải quyết những khó khăn của người.
Thí pháp là đem lẽ Đạo thuyết minh để cảm hóa, giáo dục người trở nên lành. Những cách bố thí trên, chỉ có Thí pháp là có nhiều công đức hơn cả.


Giúp người đói, giúp người hết khổ hay thoát khỏi tai nạn, cũng chỉ qua một thuở mà thôi, duy chỉ có đem đạo lý ra hóa độ người dữ ra hiền, người mê muội ra giác ngộ, lo tu hành để thoát vòng sinh tử luân hồi thì công đức ấy đời đời chẳng mất.

Lập đức phải đứng trên quan điểm VÔ NGÃ, tức là quên mình mà lo cho người, chẳng cầu người trả, chẳng nghĩ đó là công đức do ta làm.

Muốn lập đức trên phương diện Thí pháp, cần phải có quyết tâm lớn trên đường tu học. Phải học cho thông, phải hiểu cho rành, quán thông từ Nhơn đạo đến Thiên đạo. Phải cầu bậc cao minh mà thọ giáo. Chớ nên tự mãn, mới học nhom nhem nửa câu mà tự cho rằng mình biết hết, rồi đem cái biết thô thiển đó truyền thụ cho người thì tai hại vô cùng, không lập đức được mà lại còn tổn đức.

Ngày nào học thông chánh lý, lòng thông suốt, trí hiểu rành, chẳng còn gì trái với chơn ý của Thánh nhân, ấy là thể theo Thánh nhân mà nói lại lời của Thánh nhân.

Nếu là kẻ mê tín thì ta lấy Chánh tín mà độ họ; nếu là kẻ tư dục thì ta đem công lý giải bày; nếu là kẻ tham lam thì ta đem việc Thí tài mà giảng giải; nếu là kẻ sân hận thì ta đem pháp nhẫn nhục mà độ; nếu gặp kẻ chẳng may lạc vào Tả đạo Bàng môn thì ta đem Chánh đạo mà khai hóa; nếu là người si mê thì ta đem Chánh lý mà mở mang trí tuệ cho họ.

Giáo dục có nhiều phương pháp, phải tùy duyên mà hóa độ, tùy bệnh mà lập phương trị liệu, bệnh nào thuốc nấy. Chữa bệnh về thân xác thì có lương y; chữa bệnh về Tâm thì chỉ có Thánh nhân. Thánh nhân chữa cả Tâm lẫn thân, thân tâm hiệp trị. Nếu thân chưa trị thì Tâm khó trị. Vì vậy nên thân Tâm phải hiệp trị.

Khi lập đức thì phải lập từ đức nhỏ đến đức lớn.
Đức nhỏ là hóa độ người trong nhà. Đức lớn là cảm hóa nhiều người trong thiên hạ. Đức lớn là đức của bậc Thánh nhân, đức nhỏ là đức của bậc Sĩ, bậc Hiền.

Đức lớn sáng soi khắp Trời Đất, chói lọi như ánh Thái dương, nên gọi là Minh Minh Đức. Có Minh Minh Đức mới xây dựng được một thế hệ tươi đẹp, mới đào tạo được giống dân mới gọi là Tân Dân. Tân Dân cũng là thân dân, là thương người như thương mình hay như thương người thân của mình. Vua Nghiêu hằng nói với quần thần : “ Các Khanh hãy thương yêu dân như thương yêu Trẫm, dân đói là Trẫm đói, dân rét là Trẫm rét.”

Như vậy, đời sao không thạnh trị ? Quần thần khi nghe lời nói của Đấng Minh quân như thế thì ai mà chẳng xúc động. Toàn thể quốc dân nghe được lời nói của vua như thế thì ai mà chẳng động lòng. Động lòng vì Đức cả, Nhân lớn, nên cả thảy đều lo tích Đức tu Nhân, mọi người đều no cơm ấm áo. Chẳng còn nghèo, chẳng còn đói, thì đâu còn cảnh trộm cướp, mà chỉ đua nhau làm Nhân, làm Nghĩa, nên nhà nhà không đóng cửa, ngoài đường không ai lượm của rơi, người người thảnh thơi mà an hưởng cảnh thanh bình trời Nghiêu đất Thuấn.

A). Định Nghĩa Lập Công.
Lập Công là đem sức lực và sự hiểu biết của mình ra làm việc phụng sự nhơn sanh.

Việc Lập Công chia làm 3 phần : Công phu, Công quả, Công trình.

Phần Công quả là quan trọng hơn cả, vì Đức Chí Tôn có nói nhiều lần rằng : Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là lập một trường thi công quả cho nhơn sanh đắc đạo. Đắc đạo cùng chăng là do công quả. Muốn làm giàu thì phải tìm cách làm ra của cải cho nhiều, muốn làm Tiên Phật thì phải có công quả.

Công quả muốn được chánh danh và đúng nghĩa thì phải là công quả xuất phát từ lòng tự giác tự nguyện, thiết tha với nó, xem nó là nguồn sống,là mục đích của đời mình.

Mỗi người tùy theo khả năng chuyên môn mà làm công quả. Trong đạo có biết bao nhiêu công việc, đủ mọi ngành nghề, đủ mọi trình độ, từ lao động trí thức cho đến lao động chân tay, ai có sở trường trong công việc nào thì xin vào làm công việc đó cho đạt được mau chóng nhiều kết quả tốt đẹp.

TNHT : " Vậy Thầy khuyên các con, đứa nào có trí lực bao nhiêu, khá đem ra mà thi thố, chớ đừng sụt sè theo thói nữ nhi, vậy cũng uổng cái điểm linh quang của Thầy ban cho các con lắm." (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 74)

Và Đức Chí Tôn cũng có hứa rằng : " Bao nhiêu công quả bấy nhiêu phần."

Hành đạo nơi Cửu Trùng Đài chủ yếu là Lập công để lập Thiên vị của mình nơi cõi thiêng liêng. Muốn Lập công cho kết quả mỹ mãn, người tín đồ cần lưu ý các điều sau đây :
- Thứ nhứt, tự rèn luyện khả năng hiểu biết đạo lý để dẫn dắt người chưa biết đạo hay chưa hiểu đạo đi vào con đường đạo đức như mình. Đó là tự giác nhi giác tha, tức là mình tự giác ngộ lấy mình rồi sau giác ngộ người khác.
- Thứ nhì, phải gìn giữ sức khỏe cho được tráng kiện, dẽo dai, để làm điều thiện không mệt mỏi, phụng sự Đạo và nhơn sanh không ngừng nghỉ và đắc lực.
Nếu đau ốm liên miên, chẳng những mình không lập công được mà lại để cho nhơn sanh giúp lại mình, tự nhiên mình phải mất phần công đức hay mang nợ nhơn sanh.
B). Công phu. Phần Công phu gồm hai việc :
- Học tập kinh sách để thông hiểu giáo lý và luật pháp của Đạo.
- Cúng Đức Chí Tôn vào Tứ thời : Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu.

a. Học tập kinh sách Đạo :
Kinh thì có Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.
Luật thì có Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Bát Đạo Nghị Định, Đạo Luật năm Mậu Dần, Luật Hội Thánh.
Giáo lý thì có các sách : TNHT 1 và 2, Thánh Ngôn Sưu tập, Thuyết Đạo của Đức Phạm Hộ Pháp, Giáo lý của Tiếp Pháp Trương Văn Tràng, Thiên Đạo của Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Chánh Trị Đạo của Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, vv...
Việc học tập kinh sách có mục đích mở mang thể Trí của tín đồ.

b. Cúng Đức Chí Tôn vào Tứ thời :
Chúng ta cố gắng cúng Đức Chí Tôn nơi Thiên bàn tại nhà chúng ta vào Tứ thời : Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu. Nếu còn bổn phận lo lắng nhiều về công quả thì cũng phải ráng cúng mỗi ngày được 2 thời.

Việc Tứ thời Công phu nầy rất quan trọng, vì lúc đó chơn thần chúng ta hấp thụ thanh điển của Trời. Như vậy, việc công phu hằng ngày giúp cho người tín đồ sớm mở được Trí huệ, tức là cái trí càng ngày càng thêm sáng suốt.

C). Công quả.
Tất cả việc làm giúp người giúp đời mà không nhận sự đền đáp, phụng sự Đạo, phụng sự nhơn sanh, dù phạm vi nhỏ hay lớn, đều gọi là Công quả, vì những việc nầy tạo ra kết quả tốt đẹp cho linh hồn nơi cõi thiêng liêng.
Công quả muốn được chánh danh và đúng ý nghĩa của nó thì phải là công quả phát xuất từ lòng tự nguyện, thiết tha với nó, xem nó là mục đích của đời mình.

Thường thấy nơi thế gian nầy có những thứ công quả mà người có tiền mượn làm, người không tiền đi làm giùm. Nếu giá trị công quả ấy đúng với lẽ công bình của Tạo hóa thì Thái tử Sĩ Đạt Ta ngày xưa có thể mở kho đem các vật báu ra mượn người khác làm giùm cho mình đắc đạo, cần chi phải bỏ ngôi Thái tử, đi chu du thí pháp.

Cái giá trị của Công quả là phải từ tận đáy lòng, thiết tha phát khởi mà làm, dầu có phương tiện hay hoàn cảnh giàu sang, dầu trong cảnh nghèo nàn túng bấn, mà tận đáy lòng mình thiết tha với công quả thì công quả ấy mới có giá trị cao và bền vững. Điều cần nhứt trong việc lập công quả là không nên khoe khoang cho người ngoài biết, nên làm việc âm thầm để công quả ấy là âm chất hay âm công thì người làm mới hưởng được trọn vẹn nơi cõi thiêng liêng.

Mình phải vừa làm công quả, vừa kêu gọi người khác làm chung với mình, chớ không phải đưa ra giải pháp cho người khác làm, trong lúc đó mình đi làm việc khác.


Làm công quả phụng sự nhơn sanh là thể hiện đức tánh Từ Bi. Càng làm công quả thì thể Bi trong mỗi người chúng ta càng phát triển và phải tiếp tục làm cho nó phát triển mãi, để cuối cùng hòa nhập được vào khối thương yêu vô tận của Đức Chí Tôn.

C). Công trình.
Công trình là việc lập hạnh tu hành, bao gồm việc gìn giữ giới luật như : Ngũ Giới Cấm, Tứ Đại Điều Qui, Thế Luật, việc ăn chay kỳ hay ăn chay trường.

Việc lập hạnh đòi hỏi người tu phải có ý chí mạnh mẽ, hùng dũng mới thắng nỗi những sự yếu hèn và ham muốn của thể xác, do lục dục và thất tình xúi giục gây ra. Thể xác lúc nào cũng muốn tự tung tự tác, sung sướng thoải mái, chớ đâu chịu bó mình trong Giới luật.

Do đó, việc lập hạnh tu hành là thể hiện cái Dũng của con người. Cần phải dũng cảm chiến thắng sự đòi hỏi buông lung của thể xác. Không có chiến thắng nào vẻ vang hơn chiến thắng được dục vọng của mình.

Tóm lại :
- Công quả là thể hiện đức BI,
- Công phu là thể hiện đức TRÍ,
- Công trình là thể hiện đức DŨNG.
Tam công: công phu, công quả, công trình, liên hệ mật thiết nhau, quan trọng như nhau, giống như Bi, Trí, Dũng, không thể tách rời, không thể bỏ sót phần nào được, mà phải phát triển song song nhau thì sự tiến hóa tâm linh mới nhanh chóng và mau đắc quả.

3). Lập Ngôn
Lập Ngôn là nói lời chơn thật, chánh đáng, có đạo đức để người nghe phát tâm theo đạo tu hành.
Lời nói thốt ra từ cửa miệng gây ra Khẩu nghiệp.
Trong Tam nghiệp : Thân nghiệp, Ý nghiệp, Khẩu nghiệp, thì Khẩu nghiệp dễ mắc phải nhứt, vì lời nói không mất tiền mua, nên người ta cứ phát ngôn bừa bãi. Nhưng người tu nên nghĩ rằng : lời nói không tốt sẽ gây ra Khẩu nghiệp, cũng nặng nề như Thân nghiệp và Ý nghiệp.

Cho nên khi nói ra lời nào, phải suy nghĩ cho cẩn thận, xem lời nói đó có chơn thật không, có gây thiệt hại hay phiền giận cho ai không.
Bên Tây phương có một câu cách ngôn làm lời khuyên rất quí báu : "Trước khi nói hãy uốn lưỡi bảy lần." (Il faut tourner sept fois sa langue dans sa bouche avant de parler)

Nho giáo có dạy rằng : “Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang, nhứt ngôn khả dĩ táng bang”. (Một lời nói có thể làm nước hưng thịnh, một lời nói có thể làm nước mất). Câu nói nầy để cảnh giác các vị vua khi nghe lời tâu cáo của quần thần, phải phân biệt lời nào trung quân ái quốc xây dựng đất nước, lời nói nào sàm nịnh của kẻ gian thần hại nước.

Nhứt tinh cho hỏa năng thiêu vạn khoảnh chi sơn, bán cú phi ngôn ngộ tổn bình sanh chi đức. (Một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy muôn khoảnh núi rừng, nửa câu nói bậy làm hại cả cả đức bình sanh).

Đức Chí Tôn cũng thường dạy : "Thầy dạy các con phải cẩn ngôn cẩn hạnh, thà là các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể." (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 144)

Người tín đồ Cao Đài muốn Lập Ngôn đúng đắn thì phải nghiêm chỉnh tuân theo giới cấm thứ 5 trong Ngũ Giới Cấm : Ngũ bất vọng ngữ.
" Ngũ bất vọng ngữ là cấm xảo trá láo xược, gạt gẫm người, khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng, chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng thô tục, chửi rủa người, hủy báng tôn giáo, nói ra không giữ lời hứa."

Tóm lại, muốn tạo được ngôi vị thiêng liêng cho mình thì chúng ta phải tu Tam lập, tức là phải Lập đức, Lập công, Lập ngôn, rồi lo công phu, công quả, công trình, nói tóm một lời là : Lập thân hành đạo, Xả thân giúp đời.
Việc xả thân giúp đời có hai sở dụng :
- Trả quả : trả dứt hết các món nợ oan nghiệt mà mình đã gây ra từ nhiều kiếp trước.
- Lập vị thiêng liêng : công quả càng dày thì địa vị thiêng liêng càng cao trọng. Tu Tam lập là phương pháp tu cốt yếu của Đạo Cao Đài trong thời kỳ Đại Ân Xá của Đức Chí Tôn. Khi chúng ta tụng Ngũ Nguyện trong mỗi thời cúng Đức Chí Tôn là chúng ta nguyện tu Tam lập :

- Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai : Muốn hoằng khai Đại Đạo thì phải thuyết giảng giáo lý, viết sách truyền bá cho mọi người biết, đó là Lập ngôn.
- Nhì nguyện phổ độ chúng sanh : đó là Công quả.
- Tam nguyện xá tội đệ tử : Muốn được Đức Chí Tôn xá tội thì phải lập hạnh gìn giữ giới luật tu hành nghiêm chỉnh để không gây thêm tội lỗi mới, đó là Công trình.
- Tứ nguyện thiên hạ thái bình : Chúng ta thành tâm cầu khẩn Đức Chí Tôn và Phật Mẫu ban ơn cho thế giới được hòa bình, nhơn sanh an lạc, đó là Công phu.
- Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh : Muốn được an ninh thì chúng ta phải hành động thế nào cho hợp lòng người, thuận đạo Trời, đó là Lập đức.
  Tham Vấn Đường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét