Nhơn Sanh Quan Đạo Cao Đài (Tiếp Pháp Trương Văn Tràng)

Đạo tạo dựng Trời Đất hóa sanh muôn loài thì vô danh, như đã nói trong chương trước, nhưng có điều nên lưu ý là Đạo ấy tác động đến đâu thì lại có tên tạm gọi khác:
Đại để như:
Khi tác động đến Vũ Trụ thì Đạo Vô danh tạm gọi là lý Thiên Nhiên, hay lý Thái Cực.
Khi tác động đến Nhơn sanh lại gọi Mạng Trời, Thiên Lý Tánh hay Đạo.
Cũng như sách Trung Dung nói rằng:
 “Thiên mạng chi vi Tánh,
 Xuất tánh chi vi Đạo ”.

Nghĩa là Mạng Trời thị gọi Tánh, tuân hành theo Tánh gọi là Đạo.
Vậy Đạo ở nơi người là Mạng Trời là Thiên Lý mà người ta phải tuân theo để làm người và cầu giải thoát kiếp tử sinh.
Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn năm Bính Dần 1926) dạy rằng:
" Đạo là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật theo đó mà hồi cựu vị. Đạo là đường của các Nhơn Phẩm do theo mà lánh khỏi Luân Hồi, nếu chẳng theo Đạo thì các bậc ấy đều lạc bước mất hết Ngôi phẩm. Đạo nghĩa lý rất sâu xa, nhưng phải hiểu trước bao nhiêu đó, rồi sau sẽ học các nghĩa lý huyền bí khác.
Đời cũng thế, Đạo cũng thế. Chẳng có Đạo thì chẳng nên Đời. Chẳng có Đời thì chẳng nên Đạo. Lấy Đạo trau Đời, mượn Đời giồi Đạo; Đạo nên, Đời rạng, giũ áo phồn hoa nương bóng khổ, trăm năm mãn cuộc, tự mình thanh tao, mến mùi tự toại dưỡng chí thanh nhàn, thì có chi hơn ".

Vậy Đạo là Tánh, Tánh là Đạo; khi ở nơi người Tánh là bản thể của Tâm. Tâm với Tánh tuy hai danh từ mà sự tác động vốn một.
Có điều đáng tiếc là khi người ta nhập thế cuộc, nhục thân giao tiếp với vật chất sanh lòng hiếu ố, kích động Tâm làm cho Tánh biến sanh nhiều trạng thái khác như Vương Dương nói rằng:
"Thân chi chủ tể tiện thị Tâm.
Tâm chi sở phát tiện thị ý.
Ý chi bản thể tiện thị Trí.
Ý chi sở tại tiện thị Vật ".

Nghĩa là chủ tể của Thân là tâm, cái sở phát của Tâm là Ý, bản thể của Ý là Trí; Ý ở chỗ nào thì nó là vật.
Vậy chúng ta có thể nói rằng: Tâm là cái thống danh gồm cả Tánh, Ý, Trí, Vật. (Tâm: Tánh, Ý, Trí, Vật)

Muốn được rõ ràng sự biến thiên của Tâm lý chúng tôi tạm cái thuyết “Bát Thức ” của Phật Giáo (Duy Thức Học) để giảng giải.
Chúng tôi xin tạm chia ra làm hai đoạn: Sáu Thức ngoài và hai Thức trong

A- SÁU THỨC NGOÀI:
Lục căn:
Mắt
Tai
Mũi
Lưỡi
Thân
Ý.

Lục Trần:
Sắc
Thinh
Hương
Vị
Xúc
Pháp.

Lục Thức:
Nhãn thức
Nhĩ thức
Tĩ thức
Thiệt thức
Thân thức
Ý Thức.

- Mắt thấy Sắc thì sanh Nhãn thức.
- Tai nghe Thinh thì sanh Nhĩ thức.
- Mũi ngửi Hương thì sanh Tĩ thức.
- Lưỡi nếm Vị thì sanh Thiệt thức.
- Ý tiếp Pháp [1] thì sanh Ý thức.
[1] Pháp là tư tưởng, dục tình tức sự vật ở đời

 1) - Sự  tác động  của Ngũ  Thức:  Nói  riêng về   Ngũ Thức ( Nhãn thức, Nhĩ thức, Tĩ thức, Thiệt thức, Thân thức ), chúng nó lấy Ngũ quan làm Nhơn và Ngũ trần làm Duyên; nhơn duyên giao cảm mà sanh Ngũ Thức; nhưng về mặt tinh thần, chúng nó mượn cái biết của A-Lại-Da-Thức làm gốc.

Sách Duy Thức Luận bài số 15 nói rằng:
" Ý chỉ căn bản thức,
Ngũ thức tùy duyên hiện.
Hoặc câu, hoặc bất câu.
Như ba đào y thủy ".

Nghĩa là năm Thức lấy cái biết của A-Lai-Da-Thức làm căn cơ, rồi tùy duyên mà ứng hiện. Có khi chúng nó hiệp nhau, có khi không hiệp.

Năm Thức lấy cái biết của A-Lại-Da-Thức làm chủ cho sự hành động cũng như sóng ba đào mượn nước để làm chỗ vẫy vùng kia vậy.
Nên hiểu rằng khi vô sự, Tâm chưa phát động thì Ngũ Thức là cơ quan thể hiện Chơn lý ở trong Tâm truyền ra, nhưng khi hữu sự, Tâm động thì Ngũ thức chạy theo vật chất như đã kể trên, rồi nó lại truyền cái hay biết của nó vào ý thức, để tư lường tính toán lợi hại. Đó chỗ khởi đầu của Ý Thức hiệp với Trí thức, sanh ra dục tình phức tạp, tư tưởng lãng mạn.

2) - Sự tác động của ý thức: Ý thức lấy Mạt-Na-Thức làm căn, cũng như năm thức ngoài dựa vào Ngũ quan làm bổn. Ý thức hiện sanh là vì giao tiếp với Pháp trần (Sự lý hữu vi, vô vi ở đời) do năm Thức ngoài truyền vào. Thức thứ sáu nầy có đủ quan năng: Suy nghĩ, phân biệt tốt xấu, hơn kém. Lòng hiếu ố theo đó mà sanh.

Ví dụ thứ nhứt: Nếu gặp cảnh nghịch lý thì lòng hờn ghét nổi lên và xô đuổi những sự vật không thích ý đi cho xa thật xa.

Ví dụ thứ hai: Nếu gặp cảnh thích ý lòng ham muốn nổi lên và xúi giục người ta lo thâu đoạt vật ấy về với mình. Lòng ham muốn nầy, nếu được thỏa mãn thì vui mừng, rồi lại sợ hư, sợ mất mà phải lo săn sóc, giữ gìn. Trái lại, nếu thất vọng thì đâm ra phiền não, oán ghét, hờn giận.
Nên biết rằng: Tính dục do ý thức sanh ra, vốn muôn vàn hình trạng, không sao kể xiết; nhưng kinh Phật tóm tắt gọi là: Thất tình (Hỉ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố, Dục) và Lục dục (Muốn sắc, ham thính, muốn hương, muốn vị, muốn xúc và muốn pháp).

Thất tình và Lục dục, khi ở trong Ý Thức thì tùy cơ duyên bên ngoài mà hành động, mãi đến lúc cơ duyên bên ngoài hết thì nó theo Mạt-Na-Thức vào ở ẩn trong A-Lại-Da-Thức, để chờ cơ hội khác xuất hiện hành động nữa.

Tham, Sân, Si là ba món độc gây thành Tâm bịnh của Chúng sanh.  Kể sơ lược như:  Chúng ta có lòng ham muốn (Tham) như đã kể trên thì nó giục thúc chúng ta phải lo thâu đoạt vật muốn về mình.  Lòng ích kỷ nếu được thỏa mãn thì vui mừng, rồi lại sợ hư, sợ mất phải lo săn sóc, giữ gìn.
Trái lại nếu thất vọng thì hờn giận, oán ghét đó là "Tham" sanh ra "Sân" mà hễ có "Sân" thì có "Si" (Vô minh), nghĩa là không biết trong thâm tâm người ta có điểm tánh của Trời ngự trị, để chủ tể sự hành vi của người và không biết làm dữ thì họa trả lại.
Sáu thức ngoài, tuy mỗi thức có cái biết riêng biệt, và tùy hoàn cảnh hành động khác nhau, nhưng ý thức làm chủ cả và Ý thức cũng gọi là đệ lục giác quan nữa.

B - HAI THỨC TRONG:
1) - Sự tác động của Thức thứ bảy. (Mạt-na-Thức)
Duy Thức Luận bài só 5 nói rằng:
" Thử vi nhi năng biến.
Thị thức danh Mạt-Na.
Y chỉ truyền duyên hỉ.
Tư lường vi Tánh tướng."

Nghĩa là: Cái lực năng biến thứ nhì tên là Mạt-Na-Thức nó mượn A-Lại-Đa-Thức làm đối tượng để suy nghĩ. Tư lường là tánh tướng của nó.

Giảng lý: Mạt-na-Thức có tên riêng là Ý-căn, vì Ý-thức nương nó mà hiện sanh. Đến lượt nó, Mạt-na-Thức lại lấy A–lại-Da-thức làm chỗ ỷ lại đặng chuyển biến. Nó còn có phận sự khác là: Thông truyền cái biết của Chơn-trí ra sáu Thức ngoài để hành động, tức truyền cái Chơn niệm ở trong ra ngoài, rồi nó lại thâu cái Vọng-thức ở ngoài vào trong.
Đại để như: Nó thâu thập những tư tưởng lãng mạn, những dục tình phức tạp của sáu Thức ngoài, truyền vào A-lai-Da-Thức đặng giữ gìn, cất kín. Rồi nó quay lại nhận những chủng tử  (Hột giống) trong thức thứ tám làm đối tượng để quan niệm, nghĩ suy, cho nên nói tư lường là tánh tướng của Mạt-na-Thức.

Tư lường là gì?
Tư lường là ý nghĩ, quan niệm, lo âu. Mạt-na-Thức đã chấp lấy cái thân của A–lai-Da-Thức, tức là nhục thân hiện tại làm cái ngã Chơn thật, rồi lại chấp những sự vật ở cõi đời bên ngoài tức là chư pháp làm quí trọng, rồi theo đó  mà quan niệm, ý kiến để cũng cố nhục-thân hiện tại cho được sung sướng, thỏa mãn và sống lâu.

Cái năng lực tư lường nầy ngấm ngầm nghĩ suy không ngừng. Xem như khi chúng ta đang suy xét việc hiện tại thì thoạt nhiên có tư tưởng quá khứ, hay vị lai lại xen vào, làm cho sự suy xét của mình gián đoạn. Thậm chí, trong đêm vắng canh khuya, Nhục-thân an nghĩ mà Mạt-na-Thức cứ vu vơ nghĩ ngợi ? Người ta sở dĩ có chiêm bao mộng mị là lẽ ấy.

Về việc chiêm bao, có lẽ ai cũng có kinh nghiệm rồi. Giả tỉ khi Nhục-thân nầy nằm ngủ trên giường mà ý thức bắt chúng ta phải làm thân khác. Nếu làm thân giàu có, thì lên xe xuống ngựa. Trái lại, nếu làm thân nghèo hèn thì y phục rách rưới lang thang, đi theo xó chợ đầu làng. Trang Tử khi nằm mộng làm bướm. Lúc bấy giờ Ông cũng thích thú làm bướm. Ông nói: " Không biết Trang Chu mộng bướm, hay bướm mộng Trang Chu ".
Sở dĩ có sự kiện ấy làvì ý thức bắt người ta mê tít đi, quên lững cái nhục thân hiện tại, mà chỉ biết sống với cái thân trong giấc mộng.

Kinh Lăng Nghiêm nói:
Thức là mơ tưởng,
Ngủ là mộng tưởng.

Kinh Phật thường nói ham sống [2] là hột giống sanh kiếp luân hồi. Tại sao?  Bởi vì khi sanh tiền, chúng ta bám lấy thân Ngũ-uẩn và muốn cho nó sống mãi. Đến khi thân Ngũ-uẩn nầy tan rã thì lòng ham muốn giục thúc chúng ta phải tạo thân Ngũ-uẩn khác nữa. Thế nên nói rằng ham sống là hạt giống tạo kiếp sanh tử luân hồi.
[2] Ham sống chẳng phải tự diệt mà thật phải tránh sự ham muốn vật vì ham sống thì sanh lòng ích kỷ, gây tội tình nhơn quả.

Duy thức học nói rằng:
" Tứ phiền não thường câu.
Vi ngã si, ngã kiến.
Tịnh ngã mạn, ngã ái.
Cập dữ xúc đẳng câu."

Nghĩa là nó thường níu kéo bốn căn phiền não là: Ngã-si, Ngã-kiến, Ngã-mạn, Ngã-ái cùng với Tham, Sân, Si để tưởng tượng mơ màng. Tham, Sân, Si đã có giải rồi trong khoảng Ý-thức.

Bây giờ xin giải nghĩa tứ phiền não.
a - Ngã-Si: nghĩa là mê muội, không biết Bổn-tánh chơn thật của mình, rồi nhận cái giả làm cái Chơn mà đối với lẽ Đạo; thì không biết Vũ-tru, Nhơn-Sanh là gì, mà bướng bỉnh cho mình là quán thông Chơn-lý.
b - Ngã -Kiến: Ngã-kiến nghĩa là chấp lấy ý kiến của mình là chí thiện, rồi chẳng học hỏi chi nữa. Kinh Phật chép bọn người mù xem voi: Người thứ nhứt rờ đuôi voi, rồi bảo rằng voi giống cây chổi. Người thứ hai rờ chân voi, rồi bảo rằng voi giống cây cột. Mỗi người quả quyết cái biết của họ là đúng. Người sáng nghe thấy bọn mù thì buồn cười. Thế mà họ hiu hiu tự đắc. Người đời, nếu căn cứ theo cái mê lầm của Mạt-Na-Thức mà nhận định sự vật (chư pháp) thì chẳng khác nào nhóm người mù biết voi.
c - Ngã-Mạn: Ngã-mạn nghĩa là bướng bỉnh, khoe khoan, tự cho mình là tài giỏi hơn tất cả mọi người.
d - Ngã-Ái: Ngã-ái là chỉ biết có mình là quí trọng tài cao, đức rộng, không ai sánh bằng và muốn mình được tôn sùng và sống mãi.

Nói rút lạt, Mạt-na-thức có tánh si mê, bướng bỉnh, nó nương vào thân của A-Lai-Da-Thức (Nhục thân mà hiện sanh, rồi chấp lấy cái thân ấy là ngã chơn thật, song sự thiệt đó là cái Ta giả hiệp vậy).
Đáng buồn là nó lấy giả làm thiệt mà lại cho là hơn tất cả mọi người.

2) - Sự tác động của A-Lai-Da-Thức (Thức thứ tám):
 A - Lai-Da-Thức có hai trạng thái: Tịnh và Động. Tịnh thì nó tích lũy Chơn lý, Động thì sanh Vọng-tưởng là cái màn vô minh che khuất chơn lý.
Nguyên lúc ban đầu, A-Lại-Da-Thức vốn tịnh thì nó thông truyền Chơn-lý ra bảy thức ngoài để thể hiện Thiên - Đạo thành Nhơn-Đạo; nhưng khi nó bị nhục thân lôi cuốn thì nó thiên về phàm trần mà rồi nó thu nạp những vọng niệm của 7 thức ngoài truyền vào, cho nên nó có tên là Hàm-tàng-thức (Cái tạng chứa các thức).

Kinh Lăng Nghiêm có chép:
"Thí như hải lảng
Tự do mãnh phong khởi
Hồng ba cổ minh hắc
Vô hữu đoạn tuyệt thời
Tạng thức hải thường trụ
Cảnh giới phong cổ động ".

Nghĩa là: Thí như biển tịnh mà sanh động là tại gió thổi mạnh mà sóng nổi dậy, chẳng có giờ phút nào ngừng. Tạng-thức bổn lai thường trụ, nhưng gió làm nổi sóng, rồi lượn sóng nầy xô đuổi lượn sống kia mà thành ra sóng vẫy vùng làm loạn cả chơn tâm. Chính trạng thái động làm khuất trạng thái tịnh hay Nhơn-dục tế tắc Thiên-lý là vì lẽ đó.

A-Lai-Da-Thức, ngoài cái chức vụ làm chủ tể các thức kia, nó lại nương vào Mạt-Na-Thức mà chuyển biến, vì trong bản thể của nó có đủ các thứ giống để sanh hóa các Pháp; thành thử, nó cũng có tên là "Nhứt Thiết Chủng". Những hột giống nói đây chẳng phải vật chất như hột đậu, hột dưa, mà thật là một sức mạnh vô hình, có nhiều năng lực khác nhau, để rồi tùy duyên chuyển hóa các pháp: Nhập-Thế và Xuất-Thế.

Những Chủng-tử ấy kể sơ lược như vầy: Nguyên khi Lục-căn giao tiếp với Lục-trần mà sanh ra Lục-thức. Lục-thức sanh ra Vọng-niệm, Vọng-niệm theo cơ duyên bên ngoài mà hoạt động mãi đến khi hết cơ duyên bên ngoài thì Vọng-niệm thu hình thành những dấu vết tinh vi và theo Truyền-Thống-Thức vào ở ẩn trong Nhứt-thiết-Chủng, chờ có cơ hội khác, xuất phát hành động nữa và cứ thế mãi mãi.

Mà mỗi lần xuất hiện hoạt động thì "Nhứt-thiết-Chủng" thâu thập thêm một sức mạnh nữa. Tích thiểu thành đa, ấy vậy nên từ bao nhiêu kiếp quá khứ đến nay Vọng-niệm súc tích trong Nhứt-thiết-Chủng một số hạt giống không biết bao nhiêu mà kể. Đại loại như  phiền  não, tư lường, Tham, Sân, Si, vân vân,... Chính những Vọng-thức nầy là nghiệp vô minh, che khuất đường chánh. Nay muốn giải thoát ra ngoài vòng sanh tử người ta phải phá sạch nghiệp vô minh.
Phương pháp tu tập sẽ giảng giải trong hai chương sau Hạ-Thừa và Thượng-Thừa.

Tóm lại: Chương I: "Vũ Trụ Quan" nói về Dịch-lý của Đại-Vũ-Trụ, Thiên-Địa biến hóa vô cùng, tạo lập Càn Khôn hóa sanh vạn vật và khi đã trót sanh thành rồi vạn vật cũng phải theo Đạo biến hóa mà thay đổi không ngừng.

Còn Chương II: “ Nhơn Sanh Quan ” nói về Đạo biến hóa ở trong Nhơn-thân.  Như Chương trước đã nói rõ rằng: “ Tiều-Vũ-Trụ-Nhơn-thân ” cùng “ Đại Vũ Trụ Thiên Địa ” đồng nhứt lý và cũng nhơn lẽ ấy mà sự sống động của Nhơn-thân tùy thuộc Đạo tự nhiên.

Lục-Cửu-Uyên là người Trung Hoa sanh vào khoảng 1139-1192 nói rằng:
" Vũ-trụ nội sự nãi kỷ phận nội sự.
Kỷ phận nội sự nãi Vũ-trụ chi nội sự ".
Nghĩa là việc trong Vũ-trụ là việc trong chức phận của mình. Việc trong chức phận của mình là việc trong Vũ-trụ.

Còn về đường tu tập, Đổng-Trọng-Thơ sanh đời Tây Hớn bên Tàu nói rằng:
" Nhơn chi nhơn bổn ư Thiên ".
Nghĩa là Nhơn-đạo của người gốc ở nơi Trời.

Nhơn Đạo gốc ở Trời là sao?
Tức là Mạng-Trời, Thiên-lý, Tánh hay Đạo như đã nói trước kia. Nhưng có điều đáng tiếc là khi Nhục-thân tiếp xúc vật chất sanh lòng hiếu ố, kích động Tâm làm cho Tánh biến thiên nhiều trạng thái khác nhau như Chương Bát-thức đã nói trong trương trước và Tình-dục lại gây thêm những tế tâm duyên tướng làm cho Thiên-lý lu mờ đó là nguyên nhơn khiến Chúng-sanh trầm luân khổ hải.

Nay muốn giữ Mạng-Trời nơi người để theo đó mà trở về với Cội-Sanh mình là Chí-Tôn thì phải phá những cái gì che khuất Thiên-lý. Đó là yếu lý của hai pháp môn tu tập Hạ-Thừa và Thượng-Thừa sau nầy. / .
HẾT
  Tham Vấn Đường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét