Nguồn Gốc Con Người (HT. BS. Bùi Đắc Hùm)

Trong cuộc đời có lẽ có nhiều lúc ai ai cũng tự hỏi mình là ai, từ đâu đến, sống ở trên đời này để làm gì, và khi chết sẽ đi về đâu. Dĩ nhiên không mấy ai có thể có được câu trả lời thoả mãn. Tôn giáo đã cung hiến những lời dạy khác nhau, nhưng phần đông đều đồng ý với nhau về sự hiện hữu của một đấng tạo hoá, và dĩ nhiên đã mô tả đấng Tạo Hoá bằng những ngôn từ và hình ảnh khác nhau.

Thượng Đế hay Đức Chí Tôn được người bình dân gọi là Ông Trời. Các tôn giáo gọi Ông Trời bằng những danh xưng khác nhau như:
( Ấn Độ giáo gọi bằng Brahman,
Do Thái giáo gọi bằng Elohim, hay Yehvah, hay Jehovah
Lão giáo gọi bằng Đạo,
Phật giáo gọi bằng Chơn Như hay Chân Tâm,
Thiên Chúa giáo gọi bằng Christ hay là Đức Chúa Trời
Hồi giáo gọi bằng Allah,
Khổng giáo gọi bằng Thái Cực...)
Danh từ Anh ngữ của đấng Tạo Hoá là Creator, nhưng chữ Creator chỉ phản ảnh ý nghĩa của chữ Tạo mà thôi. Danh từ Việt ngữ gọi đấng Tạo Hoá bao gồm ý nghĩa của chữ Tạo là làm thành và ý nghĩa của chữ hoá là biến đổi hàm ý có sự sanh động.

Dù dùng nhiều danh xưng khác nhau để gọi Đức Thượng Đế, các tôn giáo có những quan niệm về Thượng Đế rất giống nhau.

Vào thời văn minh cổ Ai Cập, sách Le Kybalion có nói rằng “vũ trụ này đã do một thực thể duy nhứt sinh hoá ra, thực thể ấy là Thần là sự sống là Trí Huệ” (Derrie`re l’univers du temps et de l’espace, se cache toujours la Re’alite’ Substantielle, La Verite’ Fondamentale. Le Kybalion trang 43) và “Vũ trụ này đã được sinh hoá từ một Nguyên Khí vô tận vô cùng vô thuỷ vô chung.” (Le Tout est Esprit, L’Univers est Mental. Le Kybalion, trang 26).

Như vậy Đức Chí Tôn được coi như là một đấng vô hình vô thuỷ vô chung sáng tạo nên vũ trụ.

Lão giáo gượng gọi đấng Tạo Hoá là Đạo, hàm ý rằng đấng Tạo Hoá không thể nào diễn tả được bằng ngôn từ. Chương 25 Đạo Đức Kinh diễn tả như sau: " Có cái tự nó hỗn luân mà sanh thành lấy nó. Cái ấy sanh trước trời đất, yên lặng, trống không, đứng một mình mà chẳng nghiêng, chẳng lệch, lưu hành khắp nơi mà chẳng mòn mỏi, cái ấy có thể gọi là nguồn sanh hoá của vạn vật, ta không biết tên gì, gượng gọi là Đạo."

Theo quan niệm này, đấng Tạo Hoá tự nhiên mà có từ một trạng thái hỗn độn, không hình tướng (yên lặng, trống không) và là nguồn sanh hoá của muôn vật.

Nho giáo gọi đấng Tạo Hoá là Vô Cực: "Vô Cực nhi Thái Cực" (Chu Liêm Khê 1017-1073) hàm ý rằng Thái Cực từ Vô Cực mà ra. Trong hai danh từ này, Vô Cực là trạng thái trống không nhứt, trạng thái tĩnh, còn Thái Cực diễn tả một quyền năng tối thượng (cao nhứt), một trạng thái động. Vô Cực là cái bản thể vô vi, tự tại, lặng lẽ, bất biến, người ta dung ngôn ngữ để mô tả thì không nói rõ được, dùng trí phàm để ngẩm nghĩ thì không ngẩm nghĩ nổi, nhưng đứng về phương diện dịch lý thì gọi Vô Cực là Thái Cực để diễn tả đầu mối sanh ra Âm Dương (Trương Văn Tràng, Giáo Lý 1974, tr. 65).

Để diễn tả quyền năng tối thượng của đấng Tạo Hoá, Nho giáo có câu: "Trời có nói gì đâu? Mà bốn mùa vận chuyển, vạn vật sanh sôi nảy nở. Trời có nói gì đâu?" (Khổng Tử, Luận Ngữ)

Ấn Độ giáo gọi Đức Chí Tôn là Brahman, đấng tối cao, vô hình, bất sanh, bất diệt, bất hư, bất hoại. (Verily, that great unborn soul, undecaying, undying, immortal, fearly, is Brahman. Brih. Up. 4.4.25). Hoặc Brahman là linh quang, không đầu, không cuối, là đấng sáng tạo nên tất cả. (Primal energy is Brahman. That Brahman is beginningless, transcendant, eternal. Bhagavad Gita).

Do Thái giáo gọi Đức Chí Tôn là Elohim hay là Yehvah hay Jehovah. Theo Huyền môn Kabalah thì Thượng Đế là Hư Vô, bản thể tuyệt đối của vũ trụ. Khi vũ trụ chưa thành hình thì Thượng Đế được gọi là Ein-sof, hay là Linh quang (Divine Essence, the Light of the Infinite), và Linh quang là một trạng thái hư vô gọi là cõi hư không (Belimah, or the Nothingness).

Thoạt kỳ thuỷ, Âm quang tạo nên một khoảng trống không trong khối Linh quang làm thành một tình trạng hỗn độn trong khoảng chân không, một trạng thái hỗn độn giữa nguồn tối và sáng của thuở ban đ ầu. [“In the beginning of the King’s authority, the lamp of darkness (Yin energy) engraved a hollow in the Supernal Luminescence...and the hollowing of the Divine Essence occurs in Tohu and Bohu (Chaos and Void). He stretches the north on Chaos, He hangs the earth on Nothingness (Beli-mah)]. (Job 26:7) Khi vũ trụ được thành hình, thì Thượng Đế được gọi là Thái Cực (Kether), và vũ trụ được thành hình trong hệ thống thập duyên gồm có:
1 - Kether (Thái Cực, Trời)
2 - Chocmah (Dương quang, expansive force)
3 - Binah (Âm quang, astringent force)
4 - Chesed (Nghĩa, Benevolent force)
5 - Gebirah (Lễ, Destructive force)
6 - Tiphered (Tín, harmony, equilibrium)
7 - Netzach (Nhân, love)
8 - Hod (Trí, Intelligence, Objectivity)
9 - Yesod (Dục giới, Astral kingdom of desires, human desires)
10 - Malkuth (Sắc giới, Terrestrial kingdom)

Và sau đó, bắt nguồn từ đạo Do Thái là đạo Thiên Chúa và đạo Hồi.
Phái huyền môn của đạo Thiên Chúa cho rằng Đức Chúa Trời là đấng vô hình được gọi là  Đạo hay là Ngôi Lời: "Khi chưa có trời đất thì đã có Đạo, Đạo ở cùng Đức Chúa Trời và Đạo là Đức Chúa Trời. Đạo tạo ra Càn Khôn thế giái. Không có Đạo thì không có gì." (Before the creation, there was the Word. The Word was with God, and the Word was God. All things are made by Him, and without Him, was not anything made that was made. John 1:1-3)

Danh từ ngôi Lời không nhứt thiết có nghĩa là tiếng nói, vì nếu cho rằng ngôi Lời là tiếng nói, tự nhiên sẽ có câu hỏi rằng tiếng nói ấy ra sao? của nước nào? Hebrew, Á Rập, Anh Pháp v.v..? Ngôi Lời thật ra là tư tưởng, một hình thức rung động hay là âm ba của linh quang (vibration of energy) và chính linh quang là một trạng thái của Thượng Đế.

Ngôi Lời có thể coi như tương ứng với âm nguyên thuỷ AUM hay OM của Ấn Độ giáo. Theo Ấn Độ giáo, AUM hay OM là biểu tượng mãnh liệt nhứt của đấng Thiêng Liêng cả ở thế giới bên ngoài và thế giới nội t âm, là âm thanh nguyên thuỷ, là thần linh tối thượng, là nguồn cội của vạn vật và chúng sanh (có th ể coi như tương ứng với tiếng nổ lớn BIG BANG của khoa h ọc). AUM được dùng như lời cầu nguyện mở đầu và kết thúc trong các buổi lễ của Ấn Độ giáo.

Huyền môn Hồi giáo thì gọi Đức Chí Tôn là Allah, là Huệ quang, là Tình Yêu, là Linh quang hay là Hư Vô (God may be defined as the consciousness of the One Reality, be it called Wisdom, Light, Love or Nothingness. Annemarie Schimmel, Chapel Hill 1975. Mystical dimension of Islam).

Vì Phật giáo cho rằng tất cả đều là không cho nên mới có sự hiểu lầm cho rằng Phật giáo là vô thần, phủ nhận Thượng Đế. Thật ra, lúc còn tại thế, sau khi đắc đạo, Đức Phật không muốn thảo luận về nguồn gốc con người, vì vấn đề này quá cao siêu trừu tượng khó hiểu, mà chỉ quan tâm hướng dẫn chúng sanh trên con đường thoát khổ. Khi được hỏi về nguồn gốc con người, đức Phật trả lời rằng: "Khi có người bị một mũi tên độc thì ta phải làm gì ? Có cần phải truy nguyên tìm hiểu nguồn gốc của mũi tên độc hay là tìm ngay cách cứu sống con người. Nếu ta cứ quan tâm tìm hiểu nguồn gốc của mũi tên, hoặc tìm hiểu nguồn gốc con người thì con người sẽ chết trước khi tìm ra sự thật."

Thật ra, sau khi đắc đạo, Đức Phật đã để ra 21 ngày để giảng kinh Hoa Nghiêm, giảng về huyền nghĩa " nhất tâm chân như, pháp giới duyên khởi ", thuyết minh về sự thành hình của vũ trụ vạn hữu để hoá độ cho hạng thượng thừa bồ tát. Kinh Hoa Nghiêm cho rằng mọi sự vật trong vũ trụ đều do tâm mà ra. Và Tâm đây là Tâm Chân Như, hay là Chân Không Diệu Hữu, Bản thể, hay gọi một cách khác là cái Tâm Không, cái tâm Phật, hay là Phật tính. Khi tâm trở thành không, con người sẽ tìm thấy Phật tánh. Và tâm này là Chân Tâm, Chân Ngã, Niết Bàn, Bất sinh bất tử. Phật giáo có câu: " Chân Như là bản thể của vũ trụ, chẳng sinh chẳng diệt, không trước không sau, chẳng thêm chẳng bớt, tịnh thì gọi là Chân Như, động thì hoá dục vạn vật." Trạng thái tịnh hay là Chân Như tương ứng với Vô Cực của Nho giáo, còn trạng thái động hoá dục vạn vật thì tương ứng với Thái Cực.

Tóm lại, Phật giáo gọi Thượng Đế là Chân Tâm, Chân Như, Chân Ngã, Niết Bàn, bất sinh bất diệt. Con người muốn trở về hiệp một cùng Thượng Đế thì phải trở về với cái tâm không.

Cao Đài gọi Thượng Đế là Đức Chí Tôn, là Thầy. Đức Chí Tôn là Hư Vô chi khí hay còn gọi là Đại Đạo, là Vô Cực. Khí Hư Vô có từ trạng thái Hỗn Độn (do đó mới có danh từ Hỗn Độn Tôn Sư, Hỗn nguơn thiên).  Từ khí Hư Vô, có ngôi Thái Cực, và Âm Dương, và có sự thành hình của Càn Khôn thế giái:
" Thủa chưa dựng nên ngôi Trời đất,
Khoảng không không mịt mịt mờ mờ,
Hồn nhiên một khối ban sơ,
Vần vần luân chuyển gồm cơ nhiệm mầu.

Khí khinh khinh toả sâu rộng khắp,
Ánh huyền huyền bền chặc lưu hành,
Vô hình vô tình vô danh,
Cưỡng viết Đại Đạo hoá sanh vô cùng.

Tượng một điểm tựu trung duy nhất,
Là Lý, ngôi Thái Cực Thánh Hoàng,
Vận hành phân khí tạo đoan,
Âm Dương ngưng tụ thế gian lập thành". (TGST 1966-67 tr. 39)

Trước khi chưa định ngôi Thái Cực thì trong khoảng không gian ấy còn đương mịt mịt mờ mờ với khí hồng mông, vì đó còn trong thời kỳ bổn nguyên vậy. Không gian ấy tức là Vô Cực. Trong Vô Cực ấy lại có cái nguyên lý Thiên Nhiên tuyệt diệu tuyệt huyền, rồi lại có thêm một cái nguyên khí tự nhiên nữa. Lý với khí ấy tức là Âm với Dương trong buổi Hồng Nguyên thời đại. Lý, khí ấy lại lần lần ngưng kết với nhau mà đông tụ lâu đời nhiều kiếp mới thành ra một khối tinh quang rất đầy đủ các sự tốt đẹp.

Chừng đúng ngày giờ khối ấy mới nổ tung ra một tiếng vang lừng dữ dội phi thường, làm cho rúng động cả không gian, bèn có một điểm linh quang từ trong tiếng nổ ấy văng ra mà lẫn lộn quây quần giữa chốn không trung, dang tủa hào quang rất chiếu diệu rạng ngời, trùng trùng điệp điệp, rực rỡ chói loà khắp cả mọi nơi. Ấy chính là ngôi Chúa Tể của Càn Khôn Vũ trụ đã biến hoá ra vậy: mà vũ trụ từ đây mới bắt đầu có ngôi Thái Cực trọn lành, trọn tốt, toàn tri toàn năng, thiên biến vạn hoá, vô tận vô cùng, nắm trọn quyền hành, thống chưởng cả Càn Khôn Vũ Trụ, và lấy cơ thể âm dương mà phân thanh biện trược, là máy động tịnh để gom tụ cái hư vô đặng hoá sanh muôn loài vạn vật.

Đạo Cao Đài dùng Thiên Nhãn để tượng trưng cho Đức Chí Tôn. Ý nghĩa củ Thiên Nhãn được giải thích như sau: " Nhãn thi chủ tâm, lưỡng quang chủ tể, quang thị thần, thần thị Thiên, Thiên giả ngã giả." Nghĩa là: "mắt là chủ của lòng, hai luồng sáng (âm quang và dương quang tương ứng với electrons và protons) là chủ tể, nguồn sáng là thần, thần là trời, trời là ta vậy."

Khi tạo thành muôn vật Đức Chí Tôn dạy rằng: "Thầy là các con, các con là Thầy." nghĩa là tất cả đều có cùng chung một bản thể.

Khoa học không dùng danh xưng Thượng Đế để gọi đấng tạo hoá mà chỉ nói rằng vũ trụ được thành lập từ khoảng không và Khí Hư Vô của đạo giáo thì được khoa học gọi là cosmic soup. Còn Âm quang và Dương quang của đạo giáo thì tương ứng với âm điện tử (electrons) và dương điện tử (positrons), và vũ trụ được thành lập do bởi hiện tượng big bang, một tiếng nổ lớn. Hiện tượng big bang cũng đã được đạo Cao Đài đề cập tới khi nói về việc thành lập Càn Khôn vũ trụ.

Khoảng không của khoa học tương ứng với Khí Hư Vô, Đạo Thái C ực, Chân Như, ngôi Lời, Linh quang,  Allah v.v.. của Đạo giáo.

Tóm lại, đạo giáo và khoa học đã có quan điểm giống nhau cho rằng Hư Vô, một năng lực vô hình, bất sanh bất diệt, toàn năng toàn tri đã tạo thành vũ trụ và muôn vật. Năng lực vô hình này được gọi bởi nhiều tên khác nhau như là Đạo, Đại Đạo, Ein-sof, Đức Chúa Trời, Allah, Trí Huệ, Thái Cực, Brahman, Linh Quang, Tâm Chân Như, Tâm Phật, Cao Đài, Khoảng Không...

Và Đức Chí Tôn là nguồn gốc của Càn Khôn Vũ Trụ và muôn vật ./.
HT. BS. Bùi Đắc Hùm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét