Áp Dụng Nhân Sinh Quan Trong Sự Tu Hành (HDV: HT. Bùi Đắc Hùm)


Theo khoa học, con người được tạo thành từ hai tế bào, một của người cha, và một từ người mẹ. Hai tế bào hợp lại tạo thành một tế bào duy nhứt. Tế bào này tăng trưởng tạo nên những cơ quan đặc biệt như bộ máy thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá, bài tiết, vận động, sinh dục... và những bộ máy này hoạt động liên tục đem lại sự sống cho con người. Khi những bộ phận này ngưng hoạt động con người sẽ chết, và xác thân tan rả để trở thành cát bụi.
Ngoại trừ cơ quan vận động được điều khiển bằng ý chí của con người trong các sinh hoạt hằng ngày, tất cả các bộ phận khác như bộ máy tuần hoàn, bộ máy bài tiết, bộ máy hô hấp, bộ máy thần kinh v.v... đều hoạt động không tuỳ thuộc ý chí. Ví dụ như ta không thể điều khiển quả tim, hoặc ruột gan bao tử của mình hoạt động theo ý muốn của mình được. Con người gồm có ba phần, xác thân vật chất, tình cảm và tâm hồn. Khoa học chưa có thể xác định nguồn gốc của tình cảm cũng như của linh hồn của con người.

Dĩ nhiên tôn giáo có thể giải thích về nguồn gốc của con người, nhưng những quan niệm này không có thể chứng minh một cách khoa học được.

Trước hết là quan niệm của Ấn Độ giáo về xác thân của con người. Câu hỏi “Con người là cái gì?” đã bắt nguồn từ thời thời kỳ sớm hơn thời triết lý Vệ Đà. Sau thời Vệ Đà, những giải đáp cho các vấn đề triết học từ từ trở nên rõ ràng và hợp lý hơn và câu hỏi về “Thân người” ngày càng được nhấn mạnh hơn. Câu trả lời cho câu hỏi kiểu như “Ta là ai?” luôn thay đổi theo thời gian.

Và câu trả lời cho câu hỏi nầy thay đổi từ con người vật lý đến con người sinh lý, đến con người tâm lý, đến con người siêu hình, và cuối cùng là đến con người tâm linh.

Đầu tiên, người ta cho rằng con người cũng như các sinh vật khác đều được tạo thành từ mặt trời hay vật chất từ mặt trời. Sau đó họ thay đổi và cho rằng con người do thực phẩm tạo nên, hay được tạo nên bởi tứ đại (bốn yếu tố: đất, nước, lửa, gió). Nói cách khác, con người được sanh sản từ tinh túy thực phẩm đã được người cha tiêu thụ, nối kết với người mẹ thành thai nhi, sanh ra được nuôi lớn bằng thực phẩm, khi chết đi chỉ còn trơ lại tứ đại, rồi sau đó cũng bị tiêu hủy để trở về với cát bụi.

Sau đó là quan niệm về con người tâm lý, là con người có ý thức, có thể nhận thức qua các cảm giác, có thể tưởng tượng, suy nghĩ, cảm thọ, mong muốn và nhận thức sự khác biệt của sự vật. Rồi đến quan niệm về con người siêu thức, con người bẩm sinh với một ý thức hữu tình nội tại, hay linh hồn, một linh hồn hợp nhất với một đấng thiêng liêng. Như vậy, cuối cùng Kinh Vệ Đà đã giải nghĩa con người như một phần rất nhỏ của thánh linh, của đấng Thượng đế đầy uy lực.

Theo đạo Phật, xác thân vật chất do tứ đại, đất nuớc lửa, gió mà ra, còn đời sống của xác thân con người là năm uẩn. Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Cơ thể vật lý phát sanh từ một bào thai do tinh cha huyết mẹ tạo nên. Cái tinh và khí ấy được tạo nên do tinh chất của thực phẩm vốn do vạn duyên trên thế gian nầy hợp lại mà thành. Con người như vậy, quan hệ mật thiết với vạn duyên bởi thế giới vật chất nầy, con người ấy quan hệ mật thiết với xã hội và thiên nhiên, con người ấy không thể nào tự tồn tại một mình được. Sự vận hành của ngũ uẩn của con người là sự vận hành của thập nhị nhân duyên. Trong đó, sắc uẩn (form) được hiểu là cơ thể vật lý của con người, thọ uẩn (feelings) gồm cảm giác khổ, sướng, không khổ, không sướng, khởi lên từ sự tiếp xúc của lục quan là tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý. Tưởng uẩn gồm có nhận thức (perception) về lục trần như về sắc, về thanh, hương, vị, xúc và về pháp hay về thế giới hiện tượng do từ lục quan. Hành uẩn (activity) là tất cả những hành động về thân, khẩu và ý do sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp gây ra. Thức uẩn (consciousness) bao gồm những ý thức từ lục quan nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và ý thức.

Việc phối hợp giữa những yếu tố vật chất và tinh thần tạo nên sự thành hình ý thức nội tâm, và tính chất của năm uẩn nầy đều ở trong trạng thái thay đổi không ngừng. Như vậy, theo lời Đức Phật dạy, sự thật của con người là vô ngã. Cái thân, cái tâm, và ý thức mà con người lầm tưởng là cái ngã, không phải là tự ngã của con người, không phải là của con người và con người không phải là nó. Mọi sự vật đều là vô thường, con người không nên bám víu vào xác thân vô thường mà phải bị ràng buộc với những sướng khổ của cuộc đời. Phật giáo gọi xác thân là thân xa, là một cỗ xe, trên đó chuyên chở tiền nghiệp đi vào con đường luân hồi sanh tử. Ngoài ra Phật còn coi xác thân như một mãnh ruộng hay là thân điền là chỗ gieo trồng và sanh sản thiện nghiệp hay ác nghiệp cho kiếp lai sinh.

Nho giáo cho rằng đời sống con người được Thượng Đế an bày trong cộng đồng nhân loại và bổn phận con người là phải tích cực phục vụ cộng đồng này để tạo nên một cuộc sống thanh bình hạnh phúc. Đối tượng của Nho giáo là cộng đồng nhân loại, nhằm tổ chức xã hội. Để tổ chức xã hội có hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải đào tạo cho được người cai trị kiểu mẫu - người lý tưởng này gọi là quân tử (quân = kẻ làm vua, quân tử = chỉ tầng lớp trên trong xã hội, phân biệt với "tiểu nhân", những người thấp kém về điạ vị xã hội); sau "quân tử" còn chỉ cả phẩm chất đạo đức: những người cao thượng, phẩm chất tốt đẹp, phân biệt với "tiểu nhân" là những người thiếu đạo đức hoặc đạo đức chưa hoàn thiện. Nguyên tắc căn bản của nho giáo là thành ý tức là sự thành tâm, chánh tâm là tâm ngay chánh công bình chánh trực, tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Để trở thành người quân tử, con người ta trước hết phải "tự đào tạo", phải "tu thân". Sau khi tu thân xong, người quân tử phải có bổn phận phải "hành đạo" phải phục vụ cộng đồng nhân loại.

Đạo Cao Đài quan niệm rằng con người gồm có ba phần, xác thân vật chất được gọi là tinh, tình cảm con người được gọi là khí, và linh hồn được gọi là thần.

Linh hồn là một tiểu linh quang có từ Đại Linh Quang của Thượng Đế ứng hợp với lời dạy:
“Thầy là các con, các con là Thầy”

cũng như trong câu Thánh Ngôn:
" Con là một chơn linh tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể linh quang.
Khoá chìa con đã sẵn sàng,
Khi vào cõi tục khi sang Thiên đình."

Và tiểu linh quang trong con người còn được gọi là lương tâm hướng dẫn con người sống hợp lẽ đạo.
Còn xác thân hữu hình được Đức Phật mẫu dùng Âm quang và Dương quang tạo thành. Âm quang tương ứng với âm điện tử và dương quang tương ứng với dương điện tử của khoa học. Xác thân gồm có lục quan là tai mắt mũi lưỡi thân và ý. Lục quan tiếp xúc với lục trần là thinh, sắc, hương, vị, xúc, pháp tạo nên lục dục là những ham muốn vật chất phàm trần. Khi lục dục không được thoả mãn sẽ sanh ra thất tình là thương, vui, buồn, giận, ghét, sung sướng và tham lam. Lục dục thất tình được gọi là tình cảm hay là khí.

Theo khoa học âm điện tử và dương điện tử tác hợp với nhau tạo thành vật chất hữu hình, và xác thân con người âm quang và dương quang tạo thành cũng là vật chất hữu hình. Nhờ linh hồn tức là tiểu linh quang hướng dẫn xác thân vật chất biết sống theo lẽ đạo, phục vụ nhân sanh trong tình thương yêu và sự công bình. Khi con người biết tu hành giữ gìn thân tâm trong sạch, khi lìa đời linh hồn được nhẹ nhàng trở về hiệp nhất với đức Chí Tôn. Còn xác thân vật chất sẽ hoàn về vật chất giống như câu:
“Vạn sự viết vô, nhục thể thổ sanh hoàn tự thổ.
Thiên niên tự hữu, linh hồn thiên tứ phản hồi thiên”.
(Nghĩa là muôn sự thảy đều không, xác thân do đất sanh ra sẽ trở lại thành đất.
Từ ngàn năm đã hằng có, linh hồn do trời ban cho sẽ trở về trời).

Tóm lại cuộc đời là một chuỗi dài luân hồi của con người qua muôn ngàn kiếp sống để tiến triển trên con đường trở về cùng Thượng Đế. Và xác thân con người như là một chiếc xe hay con thuyền tạm bợ cho mỗi kiếp sống chở linh hồn qua nhiều kiếp luân hồi.

Phật giáo cho xác thân là ngũ uẩn, là vô thường, thân nầy là một khối ung nhọt, là nguyên nhân của bao khổ đau phiền não, con người không nên bám víu vào nó, mãi mê lo phục vụ nó để bị ràng buộc trong lục dục thất tình tham sân si để rồi mãi mãi luân hồi vì nhân quả nghiệp chướng. Trái lại phải coi xác thân như là một chiếc xe (thân xa) trên đó chuyên chở tiền nghiệp nhân quả đi vào con đường luân hồi sanh tử. Và do đó điều quan trọng là nên tạo nghiệp tốt tránh nghiệp xấu để có thể tránh được vòng luân hồi. Tương tự như thân xa, Phật giáo còn coi xác thân như là một mãnh ruộng hay là thân điền để gieo trồng thiện nghiệp, người con Phật chân thuần phải tự đặt mình sống hòa hợp với thiên nhiên và những quy luật tự nhiên đã điều hành vũ trụ. Sự hòa hợp nầy phát sanh từ lòng nhân ái, bao dung, từ bi và trí tuệ, vì lòng những thứ nầy là nguồn gốc của tánh không vị kỷ và đại lượng, là nguyên do của sự thương yêu và lợi tha, là cội nguồn của từ bi hỷ xả, là lòng nhân đạo và thiện ý, là nguyên nhân của sự xả bỏ và định tĩnh. Khi thiện nghiệp được nẩy nở tốt tươi chúng sẽ đưa linh hồn con người gần hơn về cõi Niết Bàn.

Quan niệm của Cao Đài cũng giống giống như quan niệm của Phật giáo, coi xác thân hữu hình như là một chiếc xe hay một con thuyền, một phương tiện để cho linh hồn gieo trồng thiện nghiệp trên thế gian này. Gieo trồng thiện nghiệp bằng cách nào? Như quan niệm của Nho giáo, con người sanh ra trong một cộng đồng nhân loại, thì phải biết lo tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ, còn người Cao Đài gieo trồng thiện nghiệp là phục vụ nhơn sanh mở rộng tình thương yêu đối đãi chúng sanh như anh em trong cùng một gia đình để tạo lập một cuộc đời hoà bình thánh đức trên thế gian này.

Gieo trồng thiện nghiệp cũng là một cách để trả nợ tiền khiên. Khi đã trả xong nợ tiền khiên con người còn có thể trau dồi thân tâm cho trong sạch, tu tâm dưỡng tánh, dứt bỏ lục dục thất tình tham sân si. Khi xác thân trong sạch, tình cảm thanh cao, tức là tinh và khí được nhẹ nhàng, con người sẽ có được một chơn thần (tức là tinh khí thần hiệp nhứt) thanh khiết dễ dàng hiệp nhứt cùng Đức Chí Tôn.

Cụm từ trau dồi thân tâm trong sạch ám chỉ mục đích của con người, còn làm thế nào để trau dồi là phương pháp tu hành. Chẳng những trong đạo Cao Đài, mà hầu như tất cả mọi tôn giáo, tôn giáo nào cũng khuyến khích con người thương yêu lẫn nhau. Phật giáo kêu gọi từ bi hỷ xả, tôn giáo khác kêu gọi thương yêu tất cả mọi người, cả người láng diềng và kẻ thù, còn trong đạo Cao Đài, hai điều kiện quan trọng nhất để được cứu rỗi là thực thi tình thương yêu và sự công bình. Thương yêu là tình thương yêu chân thật không vụ lợi, và công bình là đừng làm cho kẻ khác những gì mình không muốn kẻ khác làm cho mình. Trau dồi thân tâm trong sạch là giai đoạn đầu tiên của sự tu hành còn được gọi là giới. Những giai đoạn kế tiếp là định, huệ, tri kiến và giải thoát.

Muốn thực thi tình thương yêu trước hết không nên sát sanh hại vật, và ăn chay là một hình thức chứng tỏ tình thương yêu không sát hại loài vật để nuôi nấng tấm thân của mình. Vả lại đó cũng là một hình thức để thực thi sự công bình. Con người muốn sống con vật cũng muốn sống, thực thi lẽ công bình là không nên giết hại chúng.

Sau đây là một đoạn trong Kinh Sám Hối:
" Lòng Trời Đất thương đều muôn vật
Đức háo sanh Tiên, Phật một màu,
Thượng cầm, hạ thú lao xao
Côn trùng, thảo mộc, loài nào chẳng linh.
Nó cũng muốn như mình đặng sống
Nỡ lòng nào tuyệt giống dứt nòi."

Ngoài sự ăn chay, tránh sát sanh hại vật, giúp đỡ người khác trong cơn hoạn nạn, bệnh tật, nghèo đói, thiếu thốn cũng là một cách để biểu lộ tình thưong. Những giới cấm khác như trộm cắp, tà dâm, say sưa rượu thịt, nói dối hại người là những cách để thực thi sự công bình. Ngoài sự thực thi tình thương yêu và sự công bình, con người cần phải dẹp bỏ những tham sân si, lục dục thất tình. Có như vậy thân và tâm mới trở nên trong sạch.

Giai đoạn đầu tiên là giữ giới là một giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất. Vượt qua giai đoạn này, con người luôn luôn đầy tình thương yêu, không còn lục dục thất tình tham sân si, không còn bị ràng buộc bởi những nhân tình thế sự, thì những giai đoạn kế tiếp sẽ được thực hiện một cách dễ dàng. Những giai đoạn kế tiếp là định, tức là thiền định (meditation, concentration), huệ tức là giác ngộ (enlightenment), tri kiến tức là biết được mọi bí mật của trời đất (wisdom), và giải thoát (liberation) là thoát khỏi luân hồi nghiệp chướng trở về hiệp nhứt cùng Đức Chí Tôn.

Đức Chí Tôn có dạy rằng: “Thầy là các con, các con là Thầy,” trong lời dạy này vế đầu tiên “Thầy là các con” chỉ rõ rằng Thầy đã ban một phần chơn linh của Thầy cho các con, và Thầy luôn luôn hiện hữu trong các con. Trong khi vế thứ hai “các con là Thầy” là cứu cánh cuối cùng của con người phải tu hành để có thể trở về hiệp nhứt cùng Đức Chí Tôn.

Nếu con người sống buông lung chìu theo những ham muốn vật chất thấp hèn của xác thân để rồi phải bị ràng buộc trong thất tình lục dục, phải lặn hụp trong sông mê bể khổ. Trái lại nếu con người biết chế ngự xác thân của mình, biết trau dồi thân tâm cho trong sạch, thì xác thân quả là một phương tiện vô cùng quí báu, là một mảnh ruộng tốt để con người gieo trồng thiện nghiệp, là một chiếc xe, là một con thuyền mang linh hồn và thiện nghiệp của con người qua một cuộc hành trình ở thế gian.

Quan trọng nhất trong xác thân vẫn là cái tâm của con người, sau đây là lời dạy của Đức Đông Phương Lão Tổ:
"Tâm có định rồi thân mới an.
Tâm còn điên đảo tất nguy nàn,
Công phu là để tâm an định,
Yên đạo yên đời chốn thế gian."
HDV: HT. Bùi Đắc Hùm
  Tham Vấn Đường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét