
Trích Quyển “Trên Đường Tấn Hóa” (Soạn giả: Ngài Tiếp
Pháp Trương văn Tràng).
Kể từ thuở Âm Dương tương hiệp, tạo thành Càn Khôn;
hóa sanh vạn vật thì không gian vô tận, vô biên, không hình không sắc, tức Đạo,
giữ vững cơ định quả; còn thời gian chịu Luật định hình. Nghĩa là thời gian chiếu
theo Luật định của không gian rồi vận chuyển; chuyển vận định hình muôn vật. Vậy,
sự sanh thành muôn loài không phải ngẫu nhiên, mà thật có Nhơn trước rồi sau mới
có Quả.
I - NHƠN QUẢ
Nhơn chỉ về hột giống; Quả chỉ về trái mới sanh.
Nhơn quả nghĩa đen là trồng cây nào thì hái trái ấy. Về Đạo pháp nhơn quả có
nghĩa bóng là làm lành thì có phước trả lại; làm dữ thì họa đến chẳng sai. Luật
báo ứng định: Hễ có Nhơn thì có Quả, cũng như trồng cây thì hái trái, như đã kể
trên. Kinh Phật thường lấy sự trồng dưa, để cắt nghĩa luật báo ứng. Chúng tôi
xin phân tách như sau, để rồi nương theo mà nhận thức Luật Nhơn Quả đối với kiếp
người.
Hột dưa gieo xuống đất là Nhơn.
Đất, nước, gió và hơi nóng mặt trời là Duyên.
Trái dưa mới sanh là Quả.
Nhơn, Duyên, Quả là ba yếu tố cấu sanh muôn loài vạn
vật.
Đối với kiếp người thì tư tưởng, lời nói, việc làm,
sau khi động tác rồi, còn lưu lại trong không gian một dấu vết ấy là Nhơn.
Tinh thần của Võ Trụ là Duyên.
Phước họa trả lại là Quả.
Theo lẽ nầy mà suy ra, chúng ta hiểu rằng: những điều
phước họa bây giờ là kết quả của sự hành động trước, hoặc trong kiếp hiện tại,
hoặc trong kiếp quá khứ. Còn những hành động bây giờ sẽ là Nhơn ngày sau, hoặc
mau thì trong kiếp nầy; hoặc lâu thì trong kiếp vị lai.
Kinh Phật thường ám chỉ sự báo ứng liên tục trong
ba đời, cho nên nói rằng: kiếp hiện tại vừa trả quả cho kiếp quá khứ; vừa tạo
nhơn cho kiếp vị lai, rồi Nhơn kia, Quả nọ; Quả nọ, Nhơn kia liên kết thành một
đoàn dây duyên nghiệp, ràng buộc chúng sanh trong bánh xe luân hồi, hằng xoay mãi
không lúc nào ngừng.
Đã hiểu như thế, nay muốn giải thoát Kiếp Luân Hồi
thì tất nhiên phải tránh Luật Nhơn Quả, nghĩa là chẳng tạo ác nghiệp thì ắt chẳng
có ác quả. Mà hễ không nghiệp quả tiện thị chẳng có kiếp luân hồi.
II - LUÂN HỒI
Người Phật tử ý thức rằng: một kiếp sống của người
ta có hai giai đoạn: Sanh và Tử. Sanh là mối bắt đầu của tử. Tử là chỗ khởi thỉ
của Sanh, cũng như mùa xuân ngấm ngầm nẩy nở trong mùa đông. Kiếp sống ấy chẳng
phải đến với người ta một đôi lần, mà nó đã trải qua nhiều lắm rồi và nó còn sẽ
còn đến nữa mãi mãi và mãi mãi nếu người ta không giác ngộ.
Đức Chí Tôn có giáng cơ dạy rằng:
Thánh Ngôn: "Các con sanh trưởng nơi thế nầy,
khi tử hậu các con đi đâu. Chẳng có một đứa nào hiểu cơ mầu nhiệm ấy.
Thầy nói cả kiếp luân hồi của chúng sinh, Thầy đổi
từ vật chất ra thảo mộc, từ thảo mộc ra côn trùng, từ côn trùng ra thú cầm.
Loài người phải chuyển kiếp ngàn ngàn muôn muôn lần mới đến địa vị Nhơn phẩm.
Nhơn phẩm chia ra nhiều hạng: Bậc Đế Vương nơi địa
cầu nầy chưa bằng bậc chót của Nhơn phẩm địa cầu 67. Nhơn phẩm chia ra nhiều cấp,
số địa cầu càng cao, nhơn phẩm càng quý trọng; mãi đến đệ Nhứt cầu, Tam thiên
Thế giới, Tứ đại Bộ châu, rồi mới vào Tam thập lục Thiên, qua Tam thập lục
Thiên, còn phải chuyển kiếp tu hành nữa, mới vào Bạch Ngọc Kinh, Phật gọi là Niết
Bàn.
Một kẻ kia, tuy chưa có chưn trong Tôn giáo, song đã
làm tròn Nhơn đạo, tức làm xong bổn phận Người, thì buổi chung quy, cứ theo nấc
trên mà tiến lần. Trên đường về Thầy, các con thử nghĩ ngày nào mới đến? Vì vậy,
Thầy ban cho nhơn loại một quyền hành rất rộng. Nếu các con sớm tỉnh ngộ, một đời
tu cũng có thể trở về cùng Thầy. Nhưng tiếc thay, Thầy chưa từng thấy kẻ ấy".
Sau đây, chúng tôi thể theo Thánh ngôn của các Đấng
Trọn Lành giáng Cơ dạy, lược giải Luật Luân Hồi đối với ba xác thân người ta
là:
- Nhục thân
- Chơn thần
- Chơn linh.
* Luân hồi của nhục thân.
Cả cơ chuyển sanh, biến kiếp, đều do khí Âm Dương,
Ngũ hành, diệu hợp mà nên thể chất và trưởng thành. Nghĩa là từ buổi thành hình
trong thai bào, đến khi ra đời và nên vai, nên vóc, lúc nào cũng nhờ Âm Dương,
Ngũ hành sanh hóa, trưởng dưỡng. Mãi đến khi thể xác mãn kỳ sanh thọ, thì thể
xác tiêu tan. Lúc bấy giờ, các yếu tố lại hườn nguyên về bản chất tự nhiên của
nó, để rồi chuyển hóa hình hài khác nữa.
Vậy, nhơn thân vốn tạm khí chất của năm hành là:
Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ cấu thành. Cho nên người phải vay nợ của các giống ấy,
gọi là nợ tiền khiên.
Đó là Luật Nhơn Quả đã định cơ vay trả, trả vay, dầu
ai muốn chối cũng không chối được. Mà Nhơn quả là nguyên nhân sanh kiếp Luân hồi.
Tôn giáo thành lập ở thế gian, mục đích giúp phương tiện cho người thanh toán mối
nợ tiền khiên đó.
* Luân hồi của Chơn thần.
Chơn thần cũng gọi là Thần quang, cái thể bán hữu hình
ấy có một sức mạnh thiêng liêng và có bổn phận dìu dẫn nhục thân hành động theo
Thiên lý.
Trong lúc sanh tiền, nếu Chơn thần kiềm chế được nhục
thân hành động trọn vẹn theo Đạo thì Chơn thần sẽ được hiệp một với Chơn linh,
tạo nên một thể khí vô vi, chẳng những khi tử hậu được siêu thoát ra ngoài vòng
Càn Khôn tương đối, mà buổi sanh tiền cái thể khí ấy cũng có thể xuất ngoại vân
du khắp cõi Ta bà nữa.
Người tu đến đây gọi là đắc đạo. "Thân ngoại hữu
than”.
Trái lại, nếu trong lúc sanh tiền, Chơn thần không
kiềm chế được nhục thân, để nó buông lung theo phàm trần; phóng túng theo vật
chất, gây ra tội tình, ác nghiệp thì chung quy, khi nhục thân tan rã dưới mồ rồi,
Chơn thần phải chuyển kiếp khác, để tạo dựng một nhục thân khác thô kệch thấp
hèn hơn, đó gọi là thối hóa.
* Luân hồi của Chơn linh.
Chơn linh người ta là điểm sáng của Trời phú cho.
Nó hằng nương theo Chơn thần đặng dự trường thi công quả tại thế gian. Chơn thần
có phận sự chế ngự nhục thân. Chơn linh lại phải gìn giữ Chơn thần.
Trong kiếp hiện tại, nếu Chơn thần không chế ngự được
nhục thân; Chơn linh không gìn giữ được Chơn thần chăm theo Luật pháp Chơn truyền
thì sau khi nhục thân tiêu diệt, Chơn thần phải chuyển kiếp. Còn Chơn linh thì
phải chờ mãi đến khi nào Chơn thần tạo được một nhơn hình khác; đầy đủ thiện quả
thì Chơn linh mới đến cùng Chơn thần hiệp nhứt, tạo nên thể khí Vô vi như đã
nói trên, tiếng thông thường gọi là đắc vị Thiêng liêng.
Theo luật tự nhiên, người tu hành phải tạo kỳ được
thể khí vô vi nầy, thanh khiết, diệu huyền, thì mới có thể siêu thoát ra ngoài
vòng Càn Khôn tương đối và trở về với Thái Cực tuyệt đối, ấy là Luật Luân Hồi của
Chơn linh.
Tóm lại, cõi thế gian là một trường học lớn và là một
trường thi công quả của cả chúng sanh.
Đắc thì về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống; thất thì ở lại
trần gian.
Đắc thì giải thoát kiếp sanh tử; thất thì còn lẫn lộn, chen lấn cùng các vật
thể hữu vi trong cõi trần hoàn tương đối, để định cơ chuyển luân, tấn hóa; mà then
chốt là Luật Nhơn Quả và Luân Hồi.
Chữ Nhơn quả và Luân hồi, thường đấp đổi lẫn nhau
mà cắt nghĩa cuộc Sanh tử của chúng sanh. Bởi vì có Nhơn quả mới có Luân hồi.
Hoặc có Luân hồi mới có Nhơn quả. Ấy vậy, nên hễ ngày nào, chúng sanh chẳng tạo
Nhơn quả thì ắt chẳng có Luân hồi, mà hễ chẳng có Luân hồi thì cũng không gây
ra Nhơn quả.
Không Nhơn quả, không Luân hồi tiện thị là giải
thoát kiếp sanh tử ./.
HẾT

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét